Saturday, April 27, 2019

Môn Đồ Hóa 101 - Phần 2 - Hiểu Về Hội Thánh Và 5 Chức Năng Chính



Giới thiệu

Hội thánh không phải là một địa điểm hay một tòa nhà, nhưng là một gia đình tâm linh. Hội thánh là một nhóm những người tin Chúa đã được báp-tem (Công Vụ 2:41), và có sự cam kết với nhau (quan hệ chiều ngang), và thờ phượng Chúa cùng nhau (quan hệ chiều dọc), cùng dạy cùng học với nhau, cùng chia sẻ Tin Lành với nhau, cùng yêu thương nhau và chăm sóc giúp đỡ những người xung quanh (mục vụ).

Mọi người ở Hội Thánh được kêu gọi ra khỏi để thành Gia Đình Đức Chúa Trời

Từ Hy Lạp được dịch là “Hội Thánh” là ekklesia. Nó được tạo thành từ ek – “ra khỏi” và klesis- “kêu gọi”. Hội Thánh gồm những người được “kêu gọi ra khỏi” (thế gian).

Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta ra khỏi (thế gian) để thuộc về Ngài, để sống trong sự hiện diện của Ngài và được giải phóng khỏi Tội Lỗi và Mặc Cảm. Chúng ta sẽ sống như con cái Đức Chúa Trời để ca ngợi Chúa. Đức Chúa Trời đã bày tỏ kế hoạch của Ngài qua đấng Christ để làm chúng ta được nên thánh bằng tình yêu của Ngài. (Ê-phê-sô 1:3-8).

Là con cái của Chúa, chúng ta là lời chứng cho sự Vinh Hiển của Chúa. Chúng ta được xưng công bình và được cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê-xu Christ và được tặng cho Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 1:11-14)

Trước đó, chúng ta là Nô Lệ của Tội Lỗi: ích kỷ, không vâng lời, dễ bị cám dỗ và sẽ phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời, chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Chuộc. Chúa cho chúng ta được tái sinh thành con người mới để sống tỏa ra những gì mà Chúa đã đặt để bên trong mình (Ê-phê-sô 2:1-10)

Vậy nên chúng ta trở thành thành viên của Hội Thánh không phải nhờ sự sinh ra, mà nhờ sự tái sinh. Chúa Giê-xu nói về sự sinh ra bởi nước và Thánh Linh. Chúa được báp-tem và Ngài ra lệnh cho các môn đồ báp-tem. Việc trở thành một Cơ Đốc nhân bao gồm 3 điều
1.       Đầu tiên, điều chúng ta làm: ăn năn và tin nhận.
2.       Thứ hai, điều Chúa làm: Ngài cho chúng ta Đức Thánh Linh.
3.       Và thứ ba, điều Hội Thánh làm: báp-tem. (Rô-ma 6:3-11)

Hội thánh có thể diễn ra trong nhiều khung cảnh và nhiều dáng vẻ khác nhau, dù nó là lễ Chủ Nhật khi hàng trăm người (hội chúng) thờ phượng Chúa cùng nhau, hay ở trong các nhóm nhỏ nơi sự dạy học có thể diễn ra, các anh chị em cầu nguyện cùng nhau và có thể khích lệ và hỗ trợ lẫn nhau theo sự dẫn dắt của Kinh Thánh và Đức Thánh Linh.

Hội Thánh Là Thân Thể Của Đấng Christ Và Ngài Là Đầu Của Hội Thánh

Và Đức Chúa Trời “đã đặt vạn vật dưới chân Đấng Christ và lập Đấng Christ làm đầu mọi sự vì Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể Ngài, là sự đầy dẫy của Đấng làm viên mãn mọi sự trong mọi loài.” (Ê-phê-sô 1:22-23). Kinh Thánh gọi Hội Thánh là Thân Thể của Đấng Christ. Hội thánh là sự hiện diện thuộc thể của Chúa Giê-xu trong thế giới chúng ta hiện nay. Qua Hội Thánh mà ước muốn của Đức Chúa Trời chuyển động và làm việc trong thế giới chúng ta. Dù có nhiều người hoạt động trong Hội Thánh, chỉ đấng Christ là đầu của Hội Thánh và có thẩm quyền tối thượng trên Hội Thánh.

Là “thân thể của đấng Christ,” Hội Thánh tồn tại để tiếp tục và truyền rao công việc của Chúa Giê-xu Christ trên trái đất. Công Vụ 1:1 nói: “trong sách thứ nhất, (sách Phúc Âm Lu-ca) tôi đã viết về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu.” Nếu sách Phúc Âm Lu-ca kể về chuyện Chúa Giê-xu làm trên đất và về những gì Chúa Giê-xu đã làm và dạy từ ban đầu, thì sách Công Vụ Các Sứ Đồ, kể về chuyện hội thánh ban đầu, là sự tiếp nối của công việc Chúa Giê-xu làm và dạy qua thân thể Ngài, là Hội Thánh.

Hội Thánh bao gồm những người được kết nối nhưng những chi thể của Thân Thể Đấng Christ

Như mỗi chúng ta đều có thân thể với nhiều thành phần chi thể, và những chi thể này không có cùng một chức năng, vậy nên trong đấng Christ chúng ta “giống như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không có cùng một chức năng; thì cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân trong Đấng Christ; mỗi chúng ta đều là các chi thể của nhau.” (Rô-ma 12:4-5)

Hội thánh không phải là một tòa nhà hay một nhóm hoạt động nhưng là một thân thể làm nên bởi nhiều người. Cũng như những chi thể trong thân thể chúng ta được kết dính lại, những chi thể (thành viên) của hội thánh cũng kết dính lại. Những chi thể của thân thể chúng ta được kết nối bằng xương và thịt. Những chi thể thành viên của hội thánh được kết nối với nhau qua sự cam kết với nhau và đó là dấu hiệu của sự cam kết của họ với đấng Christ (Công Vụ 2:41).

Ê-phê-sô 4:1-6 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống một cuộc sống xứng đáng với sự kêu gọi, khiêm tốn và mềm mại, kiên nhẫn, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương, cũng để đối phó với sự đa dạng khác biệt của những người tin Chúa trong hội thánh. Điều này không ngụ ý đòi hỏi phải đồng nhất; tuy nhiên, chúng ta được yêu cầu nỗ lực giữ gìn sự hiệp một trong Thánh Linh, cũng như giữa mọi hội thánh.

(Ghi chú người dịch: đồng nhất khác với hiệp một. Đồng nhất đòi hỏi tất cả phải giống y như nhau. Hiệp một là thành phần khác nhau, với nhiều năng lực, suy nghĩ và tính khí khác biệt, cùng hiệp một lại làm một công việc chung.)

Ý định của Đức Chúa Trời cho Thân Thể của Đấng Christ là phát triển theo hướng trưởng thành và vững chắc hơn trong đức tin, nói lẽ thật và xây dựng lẫn nhau trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:13-16)

Mỗi người trong Thân Thể Đấng Christ được tao dựng các đẹp đẽ và duy nhất và có thể làm một đóng góp cụ thể cho Thân Thể Đấng Christ bằng việc phục vụ trong những mục vụ khác nhau. Việc chủ động tham gia theo ân tứ được ban cho là sự nhận biết mối tương trợ giữa hội thánh và những tín hữu và là sự thể hiện của tình yêu thương hi sinh (Ê-phê-sô 4:7-8, 1 Phi-e-rơ 4:10).

Hội Thánh có 5 chức năng căn bản

1. Chức Năng Thờ Phượng

Ha-lê-lu-gia! Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới! Hãy ca ngợi Ngài trong hội các thánh Ngài.  Thi Thiên 149:1

Tín hữu của hội thánh đều đặn đến với nhau cho những giờ thờ phượng. Tân Ước cho thấy có những lúc hội thánh ban đầu gặp nhau mỗi ngày (Công Vụ 2:46). Họ cũng đặt ngày Chủ Nhật làm ngày đặc biệt để tôn vinh điều rằng Chủ Nhật là ngày đấng Christ sống dậy từ cõi chết.

Trong khi đến với nhau để thờ phượng, hội thánh cần tập trung vào sự cầu nguyện, ngợi khen, ca hát, đọc Kinh Thánh, dạy dỗ và giảng đạo.

2. Chức Năng Thông Công

Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” – Hê-bơ-rơ 10:24-25.
Hội thánh không chỉ là một nhóm người. Nó là một nhóm người cam kết với nhau. Sự cam kết này thể hiện qua sự quan tâm lẫn nhau, sự hỗ trợ và yêu thương lẫn nhau. Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng bằng cách chúng ta yêu thương nhau, thế gian sẽ biết chúng ta là môn đồ Ngài (Giăng 13:35). Người trong hội thánh cần thông công với nhau qua việc phục vụ lẫn nhau và cùng nhau phục vụ cộng đồng.

3. Chức Năng Dạy Dỗ

Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.– Cô-lô-sê 3:16

Hội thánh ban đầu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ (Công Vụ 2:42) và lời giảng và khuyên răn của những người phục vụ Hội Thánh. Chúa Giê-xu dặn chúng ta phải dạy người khác mọi điều Ngài đã dặn chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20). Qua việc dạy dỗ, giảng đạo và rèn luyện của hội thánh, người Cơ Đốc được xây dựng (Ê-phê-sô 4:12). Hội thánh phải dạy chỉ những gì từ Đức Chúa Trời và đúng với Thánh Kinh (Tít 2:1).

4. Chức Năng Mục Vụ

Để phục vụ - “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45). Nếu Hội Thánh là thân thể của đấng Christ thì nó cũng cần có cùng bản tính như đấng Christ, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (Phi-lip 2:7). Khi chúng ta phục vụ cho nhu cầu của những người nghèo đói và cô đơn, chúng ta thực ra đang phục vụ đấng Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46). Khi chúng ta không làm điều này, chúng ta phạm tội với Chúa (Gia-cơ 2:14-17, 4:17).

5. Chức Năng Môn Đồ Hóa

Để đào tạo môn đồ - “Nhưng anh em là dòng giống được tuyển chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, để anh em rao truyền công đức vĩ đại của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đưa vào vùng ánh sáng diệu kỳ của Ngài.” – I Phi-e-rơ 2:9

Hội thánh – từng thành viên và cả cộng đồng – có trách nhiệm vâng lời và làm theo các mạng lệnh Chúa Giê-xu cho chúng ta trong đại mạng lệnh ở Ma-thi-ơ 28:18-20. Hội thánh phải chủ động đào tạo môn đồ qua việc chứng đạo cá nhân (Công Vụ 4:20). Như được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh, hội thánh cần phải nhận thấy và gởi những người được kêu gọi đi rao giảng những nơi mới (Công Vụ 13:1-5). Một hội thánh cần phải bắt đầu những hội thánh mới bằng cách dạy dỗ và rèn luyện những tín hữu mới được Chúa thêm vào cho mình (Công Vụ 2:46-57, 2 Ti-mô-thê 2:2).

Câu Hỏi Thảo Luận

1. Lời chứng cá nhân: hội thánh ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thế nào?

2. Nếu bạn đánh giá hội thánh mình tham dự qua 5 chức năng chính ở trên, bạn thấy hội thánh làm tốt những chức năng nào và còn thiếu sót những chức năng nào?

3. Nhìn chung trên toàn thế giới, số lượng Cơ Đốc nhân và người đi nhà thờ tăng lên trong những thập kỷ qua – tại sao ở Tây Âu lại đi xuống trong 50 năm qua?

4. Sự khác biệt chính giữa làm thành viên của Hội Thánh với của các câu lạc bộ xã hội khác là gì?

5. Cơ sở của sự kết hiệp trong Hội Thánh là gì?

6. Dưới ánh sáng lẽ thật được tỏ ra trong sách Ê-phê-sô, tại sao cam kết với một hội thánh địa phương lại thật quan trọng?

No comments:

Post a Comment