Friday, January 1, 2021

Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ

 

Trong bữa tiệc Giáng Sinh của công ty, tôi hỏi cậu đồng nghiệp ngồi cạnh:

_ Bữa nay là ngày kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh, em có biết về Chúa Giê-xu không?

_ Dạ không, em tin theo Phật.

_ Ồ, vậy em có biết về Tứ Diệu Đế không?

_ Dạ, em không biết.

_ Vậy em có biết về Bát Chính Đạo không?

_ Em không biết.

_ Vậy em có biết về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni không?

_ Em cũng không biết.

_ Vậy em biết gì về Phật?

_ Dạ, em không biết gì hết, ông bà nói thờ Phật thì em thờ thôi

...

Thực sự thì rất nhiều người nói tin thờ Phật nhưng lại không biết những điều rất căn bản về Phật Thích Ca Mâu Ni như cuộc đời ông, Tứ Diệu Đế hay Bát Chính Đạo. Điều này cũng như nhiều người nói tin Chúa Giê-xu mà không biết về cuộc đời Chúa Giê-xu, lý do Chúa giáng thế (Giăng 3:16-18) hay Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5-7). Đức tin của họ chỉ là sự tôn thờ bằng việc cúng bái và kiêng kỵ theo phong tục truyền đời. Tin thờ một vị thần kiểu nói thờ thì thờ thôi mà không biết thần đó là ai, dạy gì, muốn gì, hứa gì v.v... thì làm sao ta có thể làm họ đẹp lòng mà nhận lãnh điều họ hứa? Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời nói: “Dân nầy lấy môi miệng tôn kính Ta; Nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích, Giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:9). Ta cần phải hiểu rõ vị thần mình thờ để làm đúng điều họ dạy mà nhận lãnh điều họ hứa. Đừng thờ phượng theo lời truyền khẩu của con người kẻo uổng công vô ích.

Nhiều người tin thờ Phật mà không biết Thích Ca Mâu Ni nghĩa là gì. Thích Ca là vương quốc Thích Ca quê hương ông, Mâu Ni nghĩa là nhà thông thái. Thích Ca Mâu Ni là Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca [C], người đã nghiệm ra đường lối sống thông thái và truyền dạy cách thoát khỏi nhiều khổ đau của kiếp người.

Tôi có cơ duyên đọc được câu chuyện về cuộc đời Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca từ khi còn rất nhỏ. Lúc đó sách truyện còn rất hiếm và quí, và đó là một trong những quyển truyện tranh đầu tiên tôi đọc. Vậy nên những hình ảnh, câu chuyện về cuộc đời ông, cùng những suy nghĩ, hành động và các lời dạy của ông đã để lại trong đầu óc non trẻ của tôi một ấn tượng sâu sắc. Chúng cho tôi thấy số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người, sự phù phiếm của danh vọng, giàu sang, tiệc tùng và mỹ nữ, cùng đường lối khôn ngoan để tránh những khổ đau ở đời. Và con đường này đã dẫn tôi đến chân đấng Christ, người “đến để chiên được sống và sống sung mãn” (Giăng 10:10)

Sau đây là những gì tôi biết về cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca, cùng những thành quả mà tôi đạt được khi đi theo con đường của ông, và điều đã dẫn tôi đến với chân Đấng Christ.

I. Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Đấng Thích Ca Mâu Ni – Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca - là hoàng tử Tất Đạt Đa của vương triều Cô Đàm xứ Thích Ca, một tiểu quốc ở Ấn Độ [B, C]. Ông thiên tướng thông minh, từ nhỏ đã được tiên tri là sẽ trở thành một minh quân cai trị toàn Ấn Độ, hay một nhà tu hành đắc đạo. Vì vua cha muốn ông trở thành vua toàn Ấn Độ nên ra sức dạy con mình việc triều chính và cho ông hưởng mọi vui thú cung đình: cung điện tráng lệ, các bữa tiệc linh đình và những cung nữ xinh đẹp. Tuy nhiên, hoàng tử Tất Đạt Đa không cảm thấy cuộc sống vinh hoa phú quý như vậy là vui thú hay ý nghĩa. Một ngày nọ, khi ra khỏi thành, ông gặp một người già, người bệnh, người chết và một tu sĩ và nhận ra số phận đau buồn của con người trên thế gian: sinh, lão, bệnh, tử. Đâu là con đường giải thoát? Suy nghĩ này càng khiến ông càng chán ngán những vui thú cung đình hơn nữa, nhìn cung nữ lõa lồ chỉ còn thấy ô uế. Đến độ khi vợ sinh con, ông đặt tên đứa bé là “Chướng Ngại” (tiếng Phạn: La Hầu La) và nửa đêm lẻn ra khỏi cung điện, từ bỏ ngai vị hoàng tử và đời sống cung đình xa hoa để đi tìm câu trả lời. Đầu tiên, ông theo những dòng tu nổi tiếng thời bấy giờ và tu hành khổ hạnh đến gần chết. Nhưng ông thấy chúng không giải thoát con người khỏi những khổ đau trong đời sống nên từ bỏ. Rồi ông ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Đề, suy ngẫm về nguyên nhân và cơ chế của sự khổ và ngộ ra con đường thoát khổ với Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Sau đó, ông giảng dạy chúng cho mọi người, bắt đầu từ những người bạn tu hành khổ hạnh cũ, dần đến hoàng gia mình, rồi khắp cả xứ. Ông được mọi người tôn kính gọi là Thích Ca Mâu Ni – Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca.

Con đường là đạo, đạo là con đường. Đời là bể khổ đầy những khó khăn gian trá. Giữa cuộc đời rối ren, đạo chỉ cho ta mục tiêu để đi, lối để đến, lề trái lề phải để giữ ta không lầm lạc. Con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca dạy ta tránh né những khổ đau của kiếp người mà giữ lòng an vui qua Tứ Diệu Đế (4 chân lý kỳ diệu) [D, E] và Bát Chánh Đạo (8 con đường đúng) như sau [D, F]:

1. Khổ Đế - Chân lý về sự đau khổ: ở đời, mọi người, mọi vật đều khổ: sinh là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ, v.v... sự khổ nằm trong bản chất của mọi người và mọi vật, vì tất cả đều có chỗ không trọn vẹn, còn thiếu sót, không như ta mong muốn.

2. Tập Khổ Đế - Chân lý về nguyên nhân của đau khổ: Nguyên nhân của sự khổ là do tham muốn yêu thích (tham ái) cách u mê của cái tôi (bản ngã) của ta. Bản ngã ta tham ái u mê mà không được thỏa mãn làm ta khổ.

3. Diệt Khổ Đế - Chân lý về diệt khổ: Để diệt khổ cần phải loại bỏ bản ngã tham ái u mê qua việc học hỏi và tu tập để dập tắt những ngọn lửa trong lòng, trở nên vô ngã (không còn cái tôi), đạt trạng thái an vui Niết Bàn (tiếng Phạn có nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ trạng thái an vui lòng không còn bị lửa tham muốn giày vò.) [G]

4. Đạo Diệt Khổ Đế - Chân lý về con đường diệt khổ: con đường diệt khổ là Bát Chánh Đạo – tám con đường đúng: (1) Chánh Kiến – nhìn đúng, (2) Chánh Tư Duy – suy nghĩ đúng, (3) Chánh Ngữ - nói đúng, (4) Chánh Nghiệp – làm đúng, (5) Chánh Mạng – sống đúng, (6) Chánh Tinh Tấn – nỗ lực đúng, (7) Chánh Niệm – chú tâm đúng, (8) Chánh định – định tâm (tĩnh tâm) đúng.

Ngoài ra, Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca còn dạy về một số quy luật của đời sống như luật vô thường [H], luật nhân sinh duyên [J], luật nhân quả và nghiệp báo [K]. Hiểu quy luật đời sống sẽ diệt bỏ những u mê gây khổ não.

Diễn thì dài, nhưng con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca rất đơn giản và hợp lý. Ở đời này, mọi người, mọi sự đều không được trọn vẹn, đều có chỗ thiếu sót, nên đều đau khổ. Khổ là do cái tôi của ta tham ái cách u mê mà không được thỏa mãn nên đau khổ. Diệt được bản ngã tham ái u mê trong mình thì lòng sẽ không còn bị lửa thiêu đốt, đạt trạng thái an vui Niết Bàn (tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt). Để được vậy, ta cần phải học hiểu các quy luật của đời sống và tu tập để nhìn đúng, suy nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng v.v... Luyện thành chánh quả sẽ đạt tới giác ngộ [N], thành “phật” theo định nghĩa của Thích Ca Mâu Ni:

"Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật"

- Trung bộ kinh, kinh Brahmàyu [N]

Thực sự thì mãi sau này tôi mới biết Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo chi tiết là gì. Còn lại, tôi chỉ nhớ các câu chuyện về cuộc đời ông, và lời dạy phải trừ diệt bản ngã tham muốn, tập rèn nghĩ đúng, làm đúng, sống đúng. Nếu ta không tham ái u mê, học hiểu quy luật đời sống và làm đúng sống đúng thì đời ta sẽ an vui, không khổ.

Cuộc đời và con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca là vậy. Còn tại sao Thích Ca Mâu Ni lại trở thành Phật Tổ với quyền năng vô biên, lật bàn tay giam Tôn Ngộ Không dưới Ngũ Hành Sơn thì tôi không biết. Một khảo sát nói rằng đạo Phật có 3 lần phát triển giáo lý lớn gọi là 3 vòng quay lớn như sau [B]:

Vòng quay #1: là những lời giảng của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca như Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo, vô ngã và vô thường như tôi biết. Những điều này, cùng với các lời truyền khẩu về ông, các bình luận, giảng giải của những sư môn sau này được tổng kết trong Tam Tạng Kinh là cơ sở giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) [M]

Vòng quay #2: xuất hiện 600-800 năm sau khi Thích Ca Mâu Ni mất, với sự phát triển của Phật Giáo Đại Thừa mà nổi bật là tổ sư Long Thọ [I], người được tôn xưng là Đức Phật Thứ Hai với nhiều ý tưởng mới về đạo. Biến đổi chính là Niết Bàn - tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt – đổi nghĩa từ trạng thái an vui, vô ngã, không lửa lòng mà trở thành cõi thiên đường cho những người đã thành phật và thoát khỏi Luân Hồi [B]. Có lẽ khi Phật Giáo suy thoái ở Ấn Độ thì họ du nhập tư tưởng Luân Hồi và Tái Sinh của Ấn Giáo [I, S]. Sau này có thêm niềm tin rằng những người thành phật có thể cứu độ người thường ra khỏi Luân Hồi mà đưa vào thiên đường Niết Bàn.

Vòng quay #3: phát triển 100-300 năm sau đó với các giáo lý về tâm thức và suy nghĩ rằng tâm thức tạo nên thực tại [B]. Có lẽ giáo lý tâm thức tạo nên thực tại này qua truyền khẩu trở thành niềm tin rằng các phật có thần quyền sáng tạo, hóa suy nghĩ của mình thành hiện thực như Phật Tổ hóa Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không.

Như vậy sau hơn 1000 năm truyền kỳ và phát triển, du nhập các tư tưởng của Ấn Độ Giáo và Trung Quốc, từ “phật” ban đầu có nghĩa là một người đã giác ngộ, “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập” [N], trở nên có nghĩa là một người thần thông quảng đại, có thần quyền sáng tạo, hóa ý nghĩ của mình thành hiện thực và cứu độ con người lên thiên đàng. Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca trở thành Phật Tổ quyền năng vô biên có thể hóa Ngũ Hành Sơn giam Tôn Ngộ Không. Còn Niết Bàn, từ tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt chỉ trạng thái an vui vô ngã không còn lửa trong lòng, đã trở thành cõi thiên đàng của các phật, những người có thần thông quảng đại có khả năng cứu rỗi con người.

Tôi không nói mình biết Phật Giáo với hơn 2500 năm truyền kỳ và phát triển. Tôi cũng chưa từng đi học lớp nào trên chùa. Việc thờ Phật của tôi cũng chỉ giống như cậu bạn trên, ông bà nói thờ lạy thì thờ thôi. Nhưng tôi biết về Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca, câu chuyện cuộc đời ông, những trăn trở, suy nghĩ và hành động cùng các lời dạy của ông. Và con đường của ông đã giúp tôi tránh được nhiều khổ đau do tham ái u mê của kiếp người.

II. Những điều tôi học từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca

Ấn tượng đầu tiên của tôi là Thích Ca Mâu Ni thật sống động, khác hẳn với hình ảnh vị thần quyền năng nhưng xa vời, luôn nhắm mắt tọa thiền mà người ta thờ lạy để được ban phước. Ông sinh ra và lớn lên. Ông chán ngán các vui thú cung đình rồi trăn trở với những đau khổ và số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người. Ông từ bỏ cuộc đời vương tử mà đi học đạo chỗ này chỗ kia để tìm con đường giải thoát. Khi không đạt mục tiêu với các đạo sẵn có, ông tự nghiệm ra con đường mới rồi giảng dạy nó cho chúng sinh. Quả là một đời sống đáng ngưỡng mộ.

Biết về cuộc đời và lời dạy của ông cho tôi ý thức rằng thần phật không phải là một người ta thờ lạy để được ban phước, mà là người dạy ta lẽ sống cùng các quy luật trên thế gian. Đường/đạo của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca có mục tiêu rất cụ thể là tránh những khổ đau ở đời mà đạt trạng thái an vui Niết Bàn. Phương pháp diệt khổ cũng rõ ràng: trừ bỏ những tham ái u mê của cái tôi của mình, học hỏi tu tập nghĩ đúng, làm đúng, sống đúng... Thích Ca Mâu Ni không có hứa hẹn ban phước hay giúp đỡ cách siêu nhiên gì, phải tu tập và giác ngộ - “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập” [N] – thì mới đạt đến Niết Bàn.

Sẽ không thể hiểu hết giá trị con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đối với tôi nếu không nói đến hoàn cảnh của tôi hồi nhỏ. Sức khỏe tôi yếu nhất xóm, đến nỗi khi xóm chia hai đội đá banh thì đội nào yếu hơn thêm tôi vào cho cân. Tôi lại hay bệnh, mà bệnh thì hay sốt đến 40 độ nằm một chỗ. Đầu óc tôi cũng hơi trên mây, chậm nhận biết chuyện xung quanh, ăn nói cũng vụng về. Cứ như vậy thì khi lớn lên đời tôi sẽ có nhiều nỗi khổ.

Trải nghiệm vương tử của ông nhắc nhở tôi rằng địa vị cao trọng, cung điện giàu sang, tiệc tùng linh đình cùng các cung nữ xinh đẹp không cho ta thỏa mãn dài lâu. Chúng trông thật hấp dẫn, nhưng khi sống ngập trong chúng thì ta sẽ thấy địa vị cao trọng đầy những gánh nặng, nhà cao cửa rộng chỉ để no con mắt, ăn nhiều uống nhiều làm mệt người, và gái đẹp làm tâm linh sa ngã. Người ta vì tham muốn chúng đã gánh lấy vô số mệt nhọc khổ đau. Ý thức đề phòng chúng hẳn đã giúp tôi tránh khỏi nhiều tham ái u mê khổ đau mệt nhọc ở đời.

Câu chuyện đời ông cũng khiến tôi ý thức về số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người từ khi còn rất nhỏ. Thật buồn cười khi thằng bé vừa biết đọc đã nghĩ đến điều này. Hồi nhỏ, những khi bệnh sốt đến 40*C, tôi hay lo sợ mình sẽ chết, bệnh nhiều vậy chắc không sống thọ. Dần tôi chấp nhận rằng chết là điều tất nhiên sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn. Vấn đề là ta làm được gì, trải nghiệm được gì trước lúc đó mà thôi. Sống sao cho khỏi ân hận đã sống hoài sống phí là được.

“Tứ Diệu Đế” của ông đã giúp tôi ý thức rằng tham muốn u mê và cái tôi của mình là điều khiến tôi khổ. Vậy nên tôi tập chấp nhận những điều thiếu sót, không được như ý ở đời (Khổ Đế). Mình sức khỏe kém, nhận biết chậm, ăn nói vụng về hơn người khác cho nên việc tranh cạnh, ham muốn chỉ làm mình khổ thêm (Tập Khổ Đế). Điều này có lẽ đã giúp tôi khiêm mình mà bỏ đi cái tôi, ít đòi hỏi, làm được gì làm nấy, vui được gì vui nấy (Diệt Khổ Đế). Được cho chơi chung, đá banh chung là tôi vui rồi, vai phụ như hậu vệ cũng nhận, thắng thua đều vui. Cứ thế, càng trưởng thành, tôi càng trở nên vô tư, ít muốn, ít ghét, ít so sánh. Ăn mặn ăn nhạt cũng được, đều chỉ là vị cơm rau cá thịt. Ở phòng trọ công nhân hay khách sạn năm sao thấy cũng như nhau, đều chỉ là chỗ để tắm và ngủ. Lo đời sống mình thôi, không so sánh với người khác. Tâm trí nhờ đó cũng nhẹ nhàng, ít khổ, dễ vui.

Và quan trọng nhất là “Bát Chánh Đạo” của ông đã cho tôi ý thức học hỏi và tu tập những điều đúng để cải thiện bản thân. Vì sức khỏe kém, ba mẹ luôn bắt tôi phải chơi thể thao rèn luyện sức khỏe như đá banh, bóng bàn, võ thuật v.v... Khi tập thể thao, ta phải học hỏi và rèn luyện cho đúng kỹ thuật thì động tác mới được nhanh, mạnh, và chính xác v.v... Làm sai thì động tác sẽ vụng về, cho kết quả kém, cần phải chỉnh sửa. “Bát Chánh Đạo” mở rộng yêu cầu này ra mọi mặt trong đời sống. Ta cần học rèn nhìn đúng, nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng, sống đúng, nỗ lực đúng, chú tâm đúng, định tâm đúng… thì đời sống mới tốt đẹp. Thực ra tôi chẳng nhớ “Bát Chánh Đạo” gồm 8 điều gì, nhưng luôn nhớ là muốn làm tốt thì phải học hỏi và tu tập cái đúng. Nhờ đó, tôi luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu, đọc sách, tìm hiểu những cách “đúng” hơn, hay hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt trong những điểm mình cần cải thiện. Nếu “Tứ Diệu Đế” dạy tôi đề phòng tham ái u mê của bản ngã xác thịt, thì “Bát Chánh Đạo” cho tôi niềm vui trong việc học hỏi tu tập, hiểu biết rõ hơn và rèn luyện tốt hơn những điều mình quan tâm.

Nhờ vậy, khi lớn lên, dần sức khỏe, độ nhận biết, khả năng ăn nói của tôi cũng khá hơn. Người tiếp xúc với tôi nhiều vẫn sẽ nhận thấy những khuyết điểm này, nhưng chúng không còn là điểm liệt giới hạn đời sống của tôi nữa. Như vậy, con đường của Thích Ca Mâu Ni với tinh thần “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập”, thái độ sống vô ngã, ý thức tránh đau khổ do cái tôi tham ái u mê của mình, học biết những quy luật trong đời sống, tu tập cái đúng v.v... đã giúp tôi tránh được nhiều đau khổ cuộc đời.

Thực ra nó cũng có một số vấn đề. Việc xem nhẹ sự giàu sang, ăn uống, đồ đẹp hay người đẹp khiến tôi có phần lạc lõng với con người thế gian và xu thế thời đại.  Việc phòng trừ cái tôi tham muốn của mình cũng khiến tôi ít quan tâm tới tham muốn và cái tôi của người khác. Việc chú trọng nghĩ đúng làm đúng cũng khiến tôi từ chối những cái mà mình thấy là sai dù chúng là xu thế của thế gian. Việc học biết quy luật đời sống dễ khiến ta chấp nhận xuôi theo chúng: sinh lão thì bệnh tử, u mê bị nghiệt báo thì ráng chịu, không duyên thì đành thôi. Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca chắc cũng gặp những vấn đề này. Ông cũng lạc lõng với đời sống cung đình, ít quan tâm tới tham muốn của cha mẹ vợ con, và nghĩ khác làm khác nhiều người. Ông cũng đành chấp nhận luật nhân quả - nghiệt báo khi vua Virudhaka xâm lược xứ Thích Ca quê ông và thảm sát kinh đô Ca-tỳ-la-vệ để trả thù việc hồi nhỏ vua bị xúc phạm [P]. (Luật nhân quả nghiệt báo không có cân bằng hay giới hạn, gieo nhân có thể gặt quả hơn trăm lần. U mê xúc phạm vua láng giềng thì phải chịu cảnh nước mất nhà tan, chúng dân bị thảm sát).

Ngoài ra thì bể học vô biên và việc học hỏi tu tập mất rất nhiều thời gian và công sức. Ta đơn giản là không thể học hỏi tu tập để làm hoàn hảo tất cả mọi điều mọi việc. Tôi luôn thấy có nhiều điều mình không biết, nhiều điều mình làm còn sai. Nhiều điều tôi học tập rèn luyện mãi mà cũng chỉ tàm tạm. Thậm chí nhiều điều tôi biết là sai nhưng vì thích nên vẫn cứ làm. Tôi chỉ từ bỏ những điều gây khổ cho mình hay người khác, và học rèn những gì mình thấy cần. Vậy nên tôi không dám nói "Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ. Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ. Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập. Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật" [N]. Làm được đến đâu tốt đến đó thôi.

III. Đến với chân Chúa Giê-xu Christ

Con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca quả đã dạy tôi biết học hỏi tu tập chánh đạo mà tránh khỏi nhiều khổ đau ở đời. Nhưng sức người có hạn. Dẫu có học biết và tu tập đến đâu, ta vẫn bất lực trước nhiều điều trong cuộc sống. Khi đang du học ở Singapore, bệnh mũi cùng áp lực học tập và nghiên cứu căng thẳng đã làm tôi bị suy nhược cơ thể, phải về Việt Nam mổ mũi, rồi nghỉ một học kỳ để phục hồi sức khỏe. Sức khỏe yếu luôn là nỗi ám ảnh của tôi, việc rèn luyện sức khỏe luôn là ưu tiên hàng đầu, thế mà cũng vẫn bị vậy. Qua đó, tôi muốn tìm một con đường nào đó có thể giữ được bình an trước những sóng gió cuộc đời dù sức người là có hạn.

Khi đọc quyển “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” của Dale Carnegie, tôi thấy tác giả kể về cha mẹ mình đã chiến thắng lo lắng như thế nào [Q]. Là nhà nông nghèo ở Mỹ, ba mẹ ông luôn phải làm việc cực khổ. Những lúc được mùa thì mất giá, còn được giá thì lại mất mùa nên cả đời họ vất vả mà không tích lũy được gì. Cha ông có lần còn mắc nợ đến nỗi suýt mất cả trang trại, chán nản tuyệt vọng muốn tự tử. Dù vậy, cha mẹ ông vẫn luôn tin tưởng rằng nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn của Ngài thì mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Nhờ đó, dù nghèo khó, họ vẫn sống đời bình an và lương thiện, luôn giúp đỡ một trại trẻ mồ côi. Cuối cùng cha ông sống đến 90 tuổi mới an nghỉ. Tính ra đời sống theo Chúa của cha mẹ ông vẫn tốt hơn nhiều so với đời sống của những người giàu có nhưng luôn căng thẳng, sống theo ý mình nhưng luôn phải tự lo cho cuộc đời mình.

Tôi thấy con đường sống yêu mến Đức Chúa Trời, vâng giữ lời Ngài, và nương nhờ sự dẫn dắt giúp đỡ của Ngài qua các khó khăn như cha mẹ Dale Carnegie là con đường mình tìm kiếm. Sức người có hạn, nhưng Đức Chúa Trời đầy quyền năng. Nếu Đức Chúa Trời có thể giúp những nhà nông nghèo khó, đơn sơ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống thì Ngài cũng sẽ giúp tôi vượt qua được những giông bão vượt quá sức người.

Thực ra từ khi mới sang Singapore, tôi đã có dịp tiếp xúc và sinh hoạt các bạn sinh viên tin Chúa. Khi các bạn ấy hỏi tôi muốn biết về Chúa hay không, với ý thức học đạo của mình, tôi trả lời “Tôi thấy người Do Thái, người Hy Lạp, La Mã, người Phường Tây tin theo Chúa và xã hội họ rất văn minh, phát triển. Vậy nên tôi cũng muốn biết Chúa dạy gì” [O]. Dẫu vậy, khi đó tôi chỉ theo học cho biết. Đến lúc này, tôi mới nghiêm túc tìm hiểu về Chúa để xem mình thực sự có thể tin tưởng mà nương tựa vào Chúa như cha mẹ Dale Carnegie được không.

Từ đó tôi bắt đầu đặt những câu hỏi về Chúa, và google câu trả lời. Rồi tôi lang thang vào trang web của bác sĩ Ted Montgomery, một bác sĩ mắt về hưu dành thời gian rảnh viết ra toàn bộ niềm tin và hiểu biết của mình về Kinh Thánh, từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền [R]. Những chia sẻ và diễn giải của một bác sĩ Mỹ đã giúp tôi hiểu một cách hệ thống và logic về Kinh Thánh và Đức Chúa Trời. Ông là hình mẫu đẹp của một người trí thức Cơ Đốc: thông hiểu Lời Chúa, luôn suy ngẫm để áp dụng vào thực tế đời sống, khiêm tốn, thích chia sẻ, sẵn sàng thừa nhận mình có thể sai và luôn tìm kiếm lẽ thật. Sau khi đọc những gì bác sĩ Montgomery chia sẻ, tôi thấy mình đã đủ hiểu về Đức Chúa Trời để tin theo Ngài.

Rồi tôi ngủ mơ thấy mình sống trong kỳ Khải Huyền, Cơ Đốc nhân bị bắt bớ, ai không có Dấu Của Con Thú sẽ không thể mua bán gì được như lời tiên tri ở Khải Huyền 13:16-17. Vì không chịu quỳ phục và nhận dấu Con Thú, tôi không thể làm việc hay mua đồ ăn và cuối cùng chết vì đói. Rồi Chúa hiện ra hỏi tôi “Nếu con theo ta, chuyện này có thể xảy ra. Vậy con có chịu không?” Tôi thấy rằng nếu mình quỳ phục Con Thú để sống, thì cũng chỉ có thể sống thêm vài năm một cách hèn nhát và rồi phải xuống hỏa ngục đời đời. Vậy nên tôi phục xuống nói: “Vậy vẫn tốt hơn. Chết lên thiên đường còn hơn là sống nhục thêm vài năm rồi chết xuống địa ngục đời đời.” Chúa nói: “Tốt lắm”. Xong tôi tỉnh dậy và biết mình đã là người Cơ Đốc. Lúc đó tôi mới đến hội thánh để sinh hoạt.

Cũng thú vị khi tôi đến với Chúa để tìm kiếm sự bình an trước những khó khăn vượt quá sức con người trong cuộc sống, rồi quyết định theo Chúa dù có bị bắt bớ đến chết. Tính ra thì cái chết không đáng sợ, nó là điều tất nhiên sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn. Sống trong u mê xác thịt, sống lo lắng bất an, sống hèn nhát quỳ phục còn đáng sợ hơn cái chết. Sống thông sáng, chính đạo, bình an, tự do mới là cuộc sống đáng sống. Có lẽ đây là cuộc sống sung mãn mà Chúa Giê-xu nói trong Giăng 10:10 “Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn”.

IV. Trên con đường của đấng Christ

Tôi không cảm thấy có lỗi với Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca khi đến với Chúa Giê-xu Christ. Nó cũng như không ai cảm thấy có lỗi với thầy giáo mình khi đến làm cho một chủ công ty hay phục vụ một vị vua. Khác với hình tượng Phật Tổ với thần quyền tạo hóa và cứu rỗi con người lên thiên đàng sau ngàn năm truyền kỳ, đấng Thích Ca Mâu Ni là nhà thông thái dạy con người đường lối sống khôn ngoan để tránh đau khổ và đạt trạng thái an vui “Niết Bàn” (tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ tấm lòng không còn bị tham muốn thiêu đốt). Ai thấy hay thì làm theo, còn ông không đòi hỏi phụng sự, và cũng không hứa ban phước hay chu cấp bảo vệ gì hết. Khi xứ Thích Ca bị vua xứ láng giềng dẫn quân đến xâm lược, phá hủy kinh thành Ca-tỳ-la-vệ và tàn sát dân chúng, ông cũng không cản được [P]. Họ xúc phạm vị vua đó khi ông còn nhỏ, nên giờ họ phải chịu quả báo.  Đó là luật nhân quả, đấng Thích Ca Mâu Ni không thể cứu họ khỏi hậu quả của hành động u mê sai lạc của mình.

Còn mối quan hệ giữa Chúa Giê-xu Christ với người theo mình là mối quan hệ là giữa người chăn và chiên (Thi Thiên 95:7), chủ và tôi (Ma-thi-ơ 6:24), cha và con nuôi (Ê-phê-sô 3:20). Sẽ là rất sai nếu làm chiên của hai người chăn, làm tôi của hai chủ, làm con nuôi của hai cha. Mối quan hệ này ràng buộc hơn và yêu cầu cao hơn. Chúa yêu cầu phải “kính sợ Ngài, tuân giữ các điều răn Ngài, vâng theo tiếng phán Ngài, phục vụ Ngài và gắn bó với Ngài”(Phục Truyền 13:4), “phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình.” (Lu-ca 10:27) v.v...  Nhưng Chúa cũng có trách nhiệm của người chăn với chiên, người chủ với gia nhân, người cha với con nuôi. Chúa hứa sẽ luôn ở cùng (Ma-thi-ơ 28:20), nghe lời cầu nguyện (Giăng 14:13), cho Đức Thánh Linh dạy dỗ dẫn dắt (Giăng 14:26) v.v... Khi thân thể của đời tạm này hư nát và linh hồn về với Chúa, Ngài hứa sẽ ban cho thân thể mới vinh hiển như của thiên sứ để sống đời đời với Ngài nơi trời mới đất mới tươi đẹp hoàn hảo mà Chúa sẽ tạo dựng (Khải Huyền 21:1-4).

Mối quan hệ này chính là nguồn bình an vượt trên những giông bão trong cuộc sống và những giới hạn của sức người mà tôi tìm kiếm. Ta sống yêu mến Đức Chúa Trời, học hỏi vâng giữ lời Ngài và phụng sự công việc Ngài. Chúa sẽ dạy dỗ, dẫn dắt giúp đỡ ta trong đời sống này, và cho ta chung hưởng cuộc sống phước hạnh đời đời trong nước Ngài. Vì Chúa là người chăn, người cha, người chủ “giàu lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ”(Thi Thiên 103:8), nên Ngài không đối đãi ta theo luật nhân quả, mà tha thứ khi ta nhận tội và nâng đỡ khi ta vấp ngã. Sống với Chúa, tôi nhiều lần kinh nghiệm được Ngài đáp lời cầu nguyện và dẫn dắt sắp xếp cuộc sống cách vô hình. Mỗi lần vậy, đức tin tôi lại phát triển và lòng tôi lại thêm vững an trong Ngài.

Với con đường học hỏi tu tập của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca thì Kinh Thánh quả là một kho vàng những điều khôn ngoan cần học. Lời khôn ngoan thiên thượng quan trọng hơn các dấu kỳ phép lạ. Dấu kỳ phép lạ tất nhiên là các chuyện hiếm hoi ít thấy trong đời thường, còn lời khôn ngoan sẽ dẫn dắt ta sống tốt mỗi ngày. Kinh Thánh cho ta các câu chuyện và tấm gương của những người khôn ngoan biết sống với Chúa trong đức tin như Áp-ra-ham, Đa-vít và Đa-ni-ên. Kinh Thánh dạy ta luật Trời qua 10 điều răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17), lối sống đẹp lòng Chúa, cũng như bổn phận giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, chủ tớ (Ê-phê-sô 5). Điều thú vị là Kinh Thánh có 2 sách dạy khôn ngoan là Châm Ngôn và Truyền Đạo được viết bởi Sô-lô-môn, cũng là một vương tử thông thái, giàu có, từng trải nghiệm đến chán ngán mọi vinh hoa phú quý, tiệc tùng cung nữ như Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca. Hai người có cùng điều kiện, cùng trải nghiệm sống và cùng ngộ ra một con đường. Tôi thấy những lời dạy trong Châm Ngôn và tâm sự trong Truyền Đạo của Sô-lô-môn dạy những điều rất giống với các nguyên lý của Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, nhưng cụ thể rõ ràng trong thực tế cuộc sống. Chúng cũng chỉ ra các giới hạn của con đường học hỏi tu tập rèn luyện của Thích Ca Mâu Ni:  sức người rất có hạn, sự khôn ngoan con người rất giới hạn (Truyền Đạo 8:17), sách vở nhiều vô cùng, học nhiều làm mệt người (Truyền Đạo 12:12). Vậy nên việc học hỏi tu tập khôn ngoan là điều tốt, nhưng nó có giới hạn. Quan trọng hơn là con người phải nhớ đến Đấng Sáng Tạo, biết kính sợ và vâng giữ các điều răn của Ngài. Làm vậy là đủ phận sự của con người, và là chuẩn mà linh hồn con người sẽ bị phán xét khi về với Chúa (Truyền Đạo 12).

Con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca cũng là điểm mạnh của tôi khi đến với đấng Christ. Đường lối đó cho tôi ý thức học biết những gì Chúa cần ta học biết, từ bỏ những gì Chúa cần ta từ bỏ, và tu tập những gì Chúa cần ta tu tập. Nó cũng giúp tôi biết tránh những tham muốn phù du của thế gian này như giàu có danh vọng, nhà cao cửa rộng, tiệc tùng mỹ nữ v.v... mà rèn luyện tâm trí linh hồn. Nó nhắc nhở tôi phải biết trừ diệt cái tôi của mình và học theo cái Chúa. Nó cho tôi ý thức sống đạo theo lời Chúa dạy chứ không theo lễ nghi giáo lý của loài người. Và nó khiến tôi ý thức về sự ngắn ngủi, sinh lão bệnh tử của kiếp này. Điều này nhắc nhở tôi biết bỏ bớt các thú vui vô nghĩa ở đời này mà phục vụ đấng Christ và tích lũy kho báu của mình trên Thiên Đàng để sau này vui hưởng đời đời trong nước Ngài. Đó mới là sự sống phước hạnh vĩnh viễn mà Chúa dành cho ai yêu mến Ngài.

Nhưng đường lối của Thích Ca Mâu Ni cũng khiến tôi có một số khiếm khuyết trong đời sống với đấng Christ. Nó khiến tôi tập trung lo việc tu tập cá nhân nhiều hơn lo việc tập thể hội thánh. Nó cũng khiến tôi ít lòng thương xót con người khi họ sống sai lạc, u mê và phải nhận quả báo. Vì đòi hỏi ý thức học hỏi tu tập, tôi thiếu tinh thần hạ mình để thuyết phục những người không nghe mà cứu chuộc linh hồn như Phao-lô, “tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối... tôi trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:20-22). Vậy nên dù con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca giúp tôi học hỏi tu tập trở thành một Cơ Đốc nhân tốt, nó lại khiến tôi kém hiệu quả trong việc làm chứng chia sẻ Tin Lành. Xin Chúa giúp tôi sửa đổi để trở nên hoàn thiện hơn và hữu ích hơn cho Đại Mạng Lệnh của Ngài.

V. Tổng Kết

Ở trên là lời chứng của tôi về những gì tôi biết về Phật Thích Ca Mâu Ni, Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca và con đường ông dạy, với Tứ Diệu Đế về cơ chế về sự khổ của con người, và Bát Chánh Đạo để loại bỏ bản ngã tham ái u mê, trừ diệt lửa lòng mà đạt trạng thái an vui Niết Bàn – tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt. Cơ duyên đã cho tôi được đọc về cuộc đời ông từ khi còn rất nhỏ, một trong những quyển truyện tranh đầu đời. Vậy nên những câu chuyện, hình ảnh về ông, những suy nghĩ, hành động và các lời dạy của ông đã ghi sâu vào đầu óc non trẻ của tôi. Chúng chỉ cho tôi số phận sinh lão bệnh tử của kiếp người, sự hư không của danh vọng, giàu sang, tiệc tùng và mỹ nữ. Chúng dạy tôi phải đề phòng và trừ diệt những tham ái u mê của bản ngã (cái tôi xác thịt) mình, vì chúng chính là lửa lòng gây khổ đau. Chúng cho tôi ý thức học hỏi những điều cần học hỏi, từ bỏ những điều cần từ bỏ, tu tập những điều cần tu tập, nghĩ đúng sống đúng làm đúng v.v... để có cuộc sống an vui. Nhờ làm theo lời dạy của ông, từ một đứa trẻ sức khỏe kém, hay bệnh, đầu óc trên mây, ăn nói vụng về, tôi đã rèn luyện để dần có đủ sức khỏe và năng lực cho một cuộc sống an vui, thỏa lòng. Ông cũng cho tôi ý thức rằng thần phật là người dạy ta lẽ sống và các quy luật ở đời, chứ không phải là người ta thờ lạy để được ban phước (dù hồi nhỏ ba mẹ bảo thờ thì tôi cũng thờ thôi, có thờ có thiêng có kiêng có lành mà.)

Nhiều người tin thờ thần phật mà không biết vị thần đó là ai, thích gì, dạy gì, và hứa ban gì. Họ chỉ đơn giản là người ta nói thờ thì thờ thôi. Đức tin của họ chỉ là sự thờ phượng lễ bái và kiêng kỵ theo phong tục truyền đời. Kinh Thánh nói tin thờ kiểu này là vô ích: “Dân nầy lấy môi miệng tôn kính Ta; Nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Việc chúng thờ phượng Ta là vô ích, Giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người.” (Ma-thi-ơ 15:9). Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy ta con đường để tránh được nhiều khổ đau và có trạng thái an vui không lửa lòng Niết Bàn. Người thờ cúng mà không tu tập làm theo thì chỉ phí công vô ích.

Có lẽ việc tôn thờ theo phong tục truyền đời này đã biến Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca thành Phật Tổ Thích Ca quyền năng vô biên, hóa Ngũ Hành Sơn giam Tôn Ngộ Không. Theo một khảo sát [B], Phật Giáo có 3 vòng quay lớn. Lần #1 là Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) với các lời dạy của Thích Ca Mâu Ni cùng những môn đồ / giáo sĩ đi theo ông. Từ “phật” nghĩa là một người đã giác ngộ, “biết rõ điều cần biết rõ, từ bỏ điều cần từ bỏ, tu tập điều cần tu tập” [N], còn “Niết Bàn” nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ trạng thái an vui lòng không bị lửa tham muốn thiêu đốt. Lần #2 là sau 600 – 800 năm truyền đời với sự hình thành Phật Giáo Đại Thừa mà biến đổi chính là Niết Bàn trở thành thiên đường của các phật, và các phật có thể cứu rỗi người thường vào Niết Bàn như họ. Lần #3 là sau 100 – 300 năm truyền đời nữa với giáo lý suy nghĩ tâm thức tạo nên thực tại, có lẽ từ đây ra niềm tin rằng các “phật” có quyền năng sáng tạo, biến suy nghĩ của mình thành thực tại như Phật Tổ hóa Ngũ Hành Sơn nhốt Tôn Ngộ Không. Vậy là sau 1000 năm truyền đời, Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca với lời dạy về con đường thoát khổ để sống an vui đã trở thành Phật Tổ có thần quyền sáng tạo và quyền năng cứu rỗi con người lên thiên đàng như vậy. Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca thật sự còn không cứu được dân tộc Thích Ca của mình khỏi cơn thịnh nộ của vua nước láng giềng Virudhaka khi ông này phá hủy kinh thành Ca-tỳ-la-vệ và thảm sát dân chúng. Đó là nghiệt báo mà họ phải chịu vì đã xúc phạm vị vua hùng mạnh này, Thích Ca Mâu Ni không cản được.

Đó cũng là giới hạn của con đường của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca. Bể khổ cuộc đời có nhiều gian truân vượt quá sức người, dẫu ta có học hỏi tu tập thế nào cũng đành bất lực. Tôi đã nhận ra điều này khi bệnh mũi, cộng với áp lực học tập và nghiên cứu căng thẳng ở Singapore, khiến sức khỏe suy kiệt, phải về Việt Nam mổ mũi và nghĩ một học kỳ để phục sức. Nhận thấy sự yếu đuối giới hạn của mình khiến tôi muốn tìm kiếm một con đường mà cho ta bình an trước những cơn sóng gió cuộc đời vượt quá sức người. Khi đọc về cuộc đời của ba mẹ tác giả Dale Carnegie trong “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, tôi tìm thấy con đường đó là yêu mến Đức Chúa Trời, vâng giữ lời Ngài, và tin cậy sự dẫn dắt giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống. Sức người có hạn, nhưng Đức Chúa Trời là đấng toàn năng, Ngài có thể giúp tôi qua những gian truân vượt quá sức người. Sau khi dốc lòng tìm hiểu Đức Chúa Trời và học về Kinh Thánh để xem thực sự mình có thể tin cậy nơi Ngài không, tôi quyết định tin nhận sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu và đến với Chúa là Cha Thiên Thượng và là Chủ Trên Trời của mình.

Đến với Chúa, tôi tìm thấy sự bình an trong quyền năng của Chúa và mối quan hệ giữa mình với Ngài, giữa chiên với người chăn, gia nhân với chủ, con nuôi với Cha Thiên Thượng. Tôi biết rằng dẫu sức lực và hiểu biết của mình có hạn, nhưng nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn của Ngài, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Chúa là người cha, người chủ “giàu lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ”(Thi Thiên 103:8) nên Chúa không đối đãi ta theo luật nhân quả mà sẵn lòng tha thứ khi ta nhận tôi, và nâng đỡ khi ta vấp ngã. Trải nghiệm những phước lành, sự đáp lời cầu nguyện cùng sự chu cấp dẫn dắt của Chúa trong cuộc sống giúp đức tin tôi mạnh mẽ hơn và lòng tôi thêm vững an trong Chúa.

Tôi không cảm thấy có lỗi với Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca khi đến với Chúa Giê-xu Christ. Thích Ca Mâu Ni là một người thầy đã dạy tôi ý thức kiềm chế bản ngã và đường lối học hỏi tu tập để sống tốt. Còn đấng Christ là Chúa, là Chủ. Ta không có lỗi với thầy giáo mình khi đến sống và làm cho cho một người chủ. Ngược lại, nếu ta sống tốt và làm đẹp lòng chủ thì đó cũng là vinh dự của người thầy mình. Đường lối của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca cho tôi điểm mạnh khi đến với đấng Christ. Nó dạy tôi ý thức học hỏi và tu tập với Chúa, học biết những gì Chúa cần ta học biết, từ bỏ những gì Chúa cần ta từ bỏ, và tu tập những gì Chúa cần ta tu tập. Nó nhắc tôi cảnh giác trừ diệt những tham muốn của đời này và cái tôi của chính mình, và ý thức về sinh lão bệnh tử của kiếp người. Điều này giúp tôi bớt cái tôi để tiếp nhận cái Chúa, và sống hướng tới kho báu trên trời cùng phước hạnh vĩnh cửu ở đời sau trong nước Chúa.

Có điều nó cũng khiến tôi có khuyết điểm là quá chú trọng việc tu luyện cá nhân hơn là phục vụ hội nhóm, có phần thiếu sự thương xót với những người sai lạc phải nhận quả báo, và thiếu nỗ lực hòa nhập với người xung quanh hầu chia sẽ Tin Lành. Con người là bất toàn, phàm mọi vật đều có chỗ thiếu sót. Ta cứ từ từ học hỏi điều cần học hỏi, tu tập điều cần tu tập thôi. Chúa là đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, nguyện xin Chúa dần giúp tôi chỉnh sửa mình để có thể khắc phục các khuyết điểm này để trở nên người làm việc tốt hơn cho Chúa.

Tài liệu tham khảo

      B. Cuộc đời Phật Thích Ca

http://tuyenphap.com/duc-phat-thich-ca-mau-ni-1262 

C.     [Hoàng tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (phật Thích Ca Mâu Ni)

https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91a_C%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0m

      D.     Ba vòng quay của bánh xe đạo pháp

https://thuvienhoasen.org/a16774/ba-vong-quay-cua-banh-xe-dao-phap

      E.      Tứ diệu đế https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_di%E1%BB%87u_%C4%91%E1%BA%BF

      F.      Bát chính đạo https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1t_ch%C3%ADnh_%C4%91%E1%BA%A1o

      G.     Niết Bàn https://vi.wikipedia.org/wiki/Ni%E1%BA%BFt-b%C3%A0n

      H.     Vô thường https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_th%C6%B0%E1%BB%9Dng

      I.       Luân hồi https://vi.wikipedia.org/wiki/Lu%C3%A2n_h%E1%BB%93i

      J.       Nhân sinh duyên https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy%C3%AAn_kh%E1%BB%9Fi

      K.      Nghiệp và Nhân Quả https://vi.wikipedia.org/wiki/Nghi%E1%BB%87p_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)

       L.      Tổ sư Long Thọ https://thuvienhoasen.org/a8110/cuoc-doi-cua-to-su-long-tho

      M.    Tam Tạng Kinh https://hoavouu.com/a27887/kinh-tang-pali-pdf

      N.     Giác ngộ https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1c_ng%E1%BB%99

      O.     Singapore – Vùng Đất Tôi Được Biết Chúa https://hoithanh.com/34908/singapore-vung-dat-toi-duoc-biet-chua.html

      P.      Chuyện vua Virudhaka thảm sát xứ Thích Ca https://www.lotus-happiness.com/historical-events-leading-end-shakyas-clan/

      Q.     Quẳng gánh lo đi mà vui sống – chương 19, song thân tôi đã thắng ưu tư như thế nào https://sachvui.com/sachvui-686868666888/ebooks/2016/pdf/Sachvui.Com-quang-ganh-lo-di-va-vui-song.pdf

      R.     Trang chia sẻ hiểu biết của mình về Kinh Thánh của bác sĩ Ted Montgomery http://www.tedmontgomery.com/bblovrvw/TOC.html

      S. Luân Hồi của Ấn Độ Giáo
https://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BA%A4n_%C4%90%E1%BB%99_gi%C3%A1o#Lu%C3%A2n_h%E1%BB%93i