Friday, April 26, 2019

Môn Đồ Hóa 101 - Phần 1 - Người Môn Đồ Là Ai? Đức Tin Là Gì?

Người Môn Đồ Là Ai?

Một môn đồ là người có cam kết đi theo, vâng phục, học hỏi, sống đạo và trưởng thành để trở nên giống Chúa Giê-xu. Họ được báp-tem khi là một người trưởng thành, có mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời / Chúa Giê-xu / Đức Thánh Linh – người mà họ đã tự nguyện tin nhận là Chúa và Chủ của mình. Họ sẽ  giúp sức chia sẻ Tin Lành.

Đức Tin

Giời Thiệu Về Đức Tin

Đức tin vẫn luôn là dấu hiệu của môn đồ Chúa Giê-xu. Nhưng môn đồ ban đầu được gọi là những người tin theo (Chúa). Chúa Giê-xu nói “...Ai tin thì mọi việc đều được cả.” (Mác 9:23).

Đức tin nghĩa là sống hoàn toàn dựa vào Đức Chúa Trời. Khi Adam phạm tội, ông đã bước ra khỏi Chúa – từ sống dựa vào Chúa sang sống độc lập (nghĩa là không tin theo). Đây là lý do Chúa đặt đức tin ở mức quan trọng đến vậy.

Đức tin là con đường để chúng ta trở lại vào mối tương giao với Đức Chúa Trời (sống dựa vào Đức Chúa Trời). Sự sống dựa vào Chúa này được gọi là đức tin. Đức tin sẽ giúp ta sống vượt lên trên năm giác quan (thấy, nghe, nếm, ngửi và chạm) của mình.

Đức tin giải phóng ta khỏi những giới hạn của năng lực mình. Bằng đức tin, ta chuyển từ dựa vào năng lực giới hạn của mình sang năng lực vô hạn của Ngài. Đây là sự bước đi trong đức tin mà chúng ta hay nói  – khi mà “Nếu các con có đức tin chỉ bằng một hạt cải thì các con có thể bảo hòn núi nầy rằng: ‘Hãy dời từ đây qua đó’ thì nó sẽ dời; và chẳng có điều gì các con không làm được!” (Ma-thi-ơ 17:20)

Đức Tin Là Gì?

Đức tin là hành động vâng phục đáp lại những gì Đức Chúa Trời nói. Đức tin chân thật được thể hiện qua Sự Vâng Phục và Hành Động đáp lại khi Nghe Lời Đức Chúa Trời. “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1)

Đức tin có nghĩa là có sự trông cậy, sự đảm bảo hay sự tin tưởng vào một người khác hay lời người đó. Có đức tin ở Đức Chúa Trời bao gồm việc đổi sự tự tin ở mình sang sự tin tưởng ở Chúa. Chúng ta không tin ở mình nữa mà tin ở Ngài. Chúng ta từ bỏ việc tin tưởng ở hiểu biết giới hạn của mình mà bắt đầu nhận lấy nguồn hiểu biết vô tận của Ngài.

Cơ Sở Của Đức Tin

Cơ sở của đức tin ở Đức Chúa Trời dựa trên 3 lẽ thật quan trọng:

1. Trên Bản Chất Của Đức Chúa Trời

khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, vì không thể chỉ đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình mà thề” (Hê-bơ-rơ 6:13).

a.       Ngài không bao giờ thay đổi: “Vì Ta là Đức Giê-hô-va không hề thay đổi, nên các con là con cháu Gia-cốp chẳng bị diệt vong” (Ma-la-chi 3:6)

b.      Ngài không bao giờ thất bại: “Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, Không ai ngăn cản được ý định của Ngài.” (Gióp 42:2)

c.    Ngài không bao giờ nói dối: “Đức Chúa Trời không phải là người mà nói dối, Cũng chẳng phải là con loài người mà ăn năn. Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao? Lời Ngài đã hứa, Ngài chẳng thực hiện sao?” (Dân Số Ký 23:19)

2. Trên Việc Cứu Chuộc Của Con Trai Đức Chúa Trời

Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12:2). Đấng Christ đã trở thành cội nguồn của đức tin của chúng ta ở Đức Chúa Trời.

Sự thật về sự chết và sự phục sinh của Chúa là nền tảng để cho chúng ta tin. “Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta” (1 Cô-rinh-tô 1:30)

3. Trên Lời Của Chúa: ”Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đâu.” (Ma-thi-ơ 24:35) “Con thấy đúng đó, Ta đang thức để thực hiện lời Ta đã phán.” (Giê-rê-mi 1:12). Lời Đức Chúa Trời mãi mãi luôn đúng. Đức tin đến khi Chúa đem một lời cụ thể nào đó – trong tất cả những gì Ngài đã nói (trong Kinh Thánh) – đến với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Khi được nói bằng cách này, Lời Của Chúa trở nên sống động với chúng ta, giải phóng đức tin của chúng ta.

Đức Tin Hoạt Động Như Thế Nào?

“Đức tin là một lối sống. Đức tin không phải là một khái niệm”

Nguyên tắc của đức tin là luôn luôn hoạt động trong đời sống ta, bất kể hoàn cảnh nào (Rô-ma 3:27, 2 Cô-rinh-tô 5:7, Gia-cơ 1:5-6). Nó hoạt động như thế này:

1. Đức Chúa Trời cho chúng ta đức tin

Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:17, Ga-la-ti 3:11, Hê-bơ-rơ 10:38)

Người công chính sống bởi đức tin ở Đức Chúa Trời, đó là đức tin Ngài cho chúng ta như một món quà. “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự cao” (Ê-phê-sô 2:8-9) “Vì nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.” (Rôma 12:3)

2. Đức tin đến bởi một Lời từ Đức Chúa Trời

Đầu tiên, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta qua việc nói cho chúng ta một “lời” liên quan đến hoàn cảnh của mình. Điều này có thể đến khi bạn học Kinh Thánh hay nghe lời của Đức Thánh Linh bên trong tâm linh bạn. “Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.” (Rô-ma 10:17)

(Ghi chú của người dịch: Có đức tin về những điều tổng quát như quyền năng, sự cứu rỗi và sự tể trị của Chúa. Cũng có đức tin về ý Chúa cho những việc cụ thể nào đó trong hoàn cảnh của mình. Mọi đức tin đều phải đến từ Lời Chúa qua Kinh Thánh hay qua lời của Đức Thánh Linh nói trong tâm linh. Việc nhận biết Lời Chúa cho việc cụ thể trong hoàn cảnh của mình cần cẩn thận để tránh bị nhiễu với tâm ý xác thịt của mình, đòi hỏi sự trưởng thành trong thuộc linh, có sự hiểu biết, tương giao, và vâng phục Chúa.)

3. Vâng phục Lời Chúa

Để đức tin hành động trong hoàn cảnh của chúng ta, chúng ta phải vâng phục lời đó. Đức tin phải CHỦ ĐNG, không phải bị động. Hầu hết các lời hứa của Chúa là có điều kiện – Ngài sẽ làm phần của Ngài, nếu chúng ta làm phần của mình.

Một người khôn ngoan đã nói “bất kỳ đức tin nào tìm cách bắt Chúa chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi kết quả trong cuộc đời bạn là một đức tin vô trách nhiệm”. “Đức tin cũng vậy, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết.” (Gia-cơ 2:17)

4. Mọi đức tin rồi sẽ bị thử thách

Sự khủng hoảng đức tin, hay “sự thử nghiệm đức tin của anh em” là một giai đoạn thử thách. Mọi chuyện xung quanh chúng ta có vẻ như đi ngược lại với lời Chúa đã nói và chẳng thấy một chứng cớ tự nhiên nào cho chúng ta tin tưởng. Tại thời điểm đó, đức tin chúng ta phải dựa hoàn toàn vào lời của Chúa (điều mà Ngài đã phán với chúng ta). “Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến.” (1 Phi-ê-rơ 1:6-7)

Trong đức tin, chúng ta đặt mình trên sự THÀNH TÍN CỦA CHÚA. Trong những khi ta nghi ngờ và tranh chiến với sự thử thách, Chúa là thành tín và sẽ không bỏ rơi chúng ta. “Nếu chúng ta thất tín, Thì Ngài vẫn thành tín; Vì Ngài không thể tự chối bỏ mình được.” (2 Ti-mô-thê 2:13)

Ngài đã thành tín với Thô-ma và Phi-e-rơ khi đức tin của họ bị thử thách. Chúa Giê-xu đã không bỏ rơi họ. “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.” (Hê-bơ-rơ 13:5)

5. Kết quả của đức tin

Kết quả cuối cùng của đức tin luôn là sự chiến thắng về phần người tin Chúa, đem lại vinh hiển cho Chúa (Gia-cơ 1:2-4, Hê-bơ-rơ 6:13-15). “Vì ai sinh bởi Đức Chúa Trời thì chiến thắng thế gian; điều làm cho chúng ta chiến thắng thế gian chính là đức tin của chúng ta” (1 Giăng 5:4)

Lời câu nguyện chung


Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;
Danh Cha được thánh;
Nước Cha được đến;
Ý Cha được nên, ở đất như trời!
Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!

- Ma-thi-ơ 6:9-13

No comments:

Post a Comment