Saturday, October 3, 2015

Michael Faraday–Sức mạnh của Chúa và sức mạnh của dòng điện

Michael Faraday là người đã phát minh ra máy biến áp, máy phát điện, benzen, mạ điện, v.v... là nền tảng cho nền công nghiệp điện, hóa điện và hóa chất hiện đại
Bởi Ann Lamont, B.Sc., M.Ed.St
http://creation.com/michael-faraday-gods-power-and-electric-power
dịch Bởi Richard Huynh, đăng với sự cho phép của Creation.com

Michael Faraday sinh ra trong một làng ở Newington, Sussex, Anh Quốc vào thứ năm, 22 tháng 9 năm 1791. Ông là người con thứ ba trong bốn anh em. Một thời gian ngắn sau khi sinh, nhà ông chuyển đến Tây Luân Đôn, nơi Michael lớn lên. Gia đình ông là những Cơ Đốc nhân mộ đạo và thờ phượng Chúa ở một nhà thờ nhỏ cách đó bốn cây số. Sức khỏe kém khiến cha của Michael, một người thợ rèn, không thể làm việc toàn thời gian, dẫn đến thiếu thốn về mặt tài chánh.
Michael Faraday
Michael Faraday
Sau chưa tới hai năm học chính thức, Michael phải rời trường. Vào năm 11 tuổi, ông trở thành cậu bé sai vặt cho một người đóng sách. Khi lên 14 tuổi, ông trở thành thợ học việc của người đóng sách. Bằng cách sử dụng thời gian rảnh để đọc những quyển sách mình đang đóng, Michael tận dụng cơ hội này để nâng cao học vấn của mình. Ông bị quyến rũ bởi khoa học, đặc biệt là với hóa học và điện. Ông bắt đầu thực nghiệm lại những thí nghiệm mà ông đang đọc. Việc đóng sách đã huấn luyện ông trở nên khéo léo trong việc dùng hai bàn tay, điều này đã giúp ông rất nhiều trong việc thao tác các dụng cụ khoa học.
Michael bắt đầu tham dự các bài thuyết trình khoa học hàng tuần. Ông ghi chép chi tiết và đóng những tờ ghi chép lại thành những quyển sổ tay rất đẹp. Những bài thuyết trình ông tham dự bao gồm chuỗi thuyết trình ở Viện Hoàng Gia (Royal Institution) bởi Ngài Humphry Davy, nhà hóa học nổi tiếng mà sau này sáng tạo ra đèn an toàn cho thợ mỏ. (Viện Hoàng Gia được thành lập để thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về những phát minh và những áp dụng hằng ngày của khoa học.) Sau khi hoàn thành khóa học việc của mình, Michael tìm kiếm một công việc trong khoa học. Ông dùng những tờ ghi chép đóng lại đẹp tuyệt của mình để thuyết phục Ngài Humphry về cam kết nghiêm túc của ông với khoa học. Năm 1813 ông được thuê khi có vị trí trợ lý phòng thí nghiệm. Sự nghiệp khoa học của Michael Faraday bắt đầu.

Sự giúp đỡ không thể thiếu

Năng lực khoa học của Faraday nhanh chóng thể hiện rõ với những người xung quanh ở Viện Hoàng Gia. Thay vì chỉ là người chuẩn bị dụng cụ và hóa chất, ông còn sớm được tham gia giúp đỡ trình bày thí nghiệm tại những buổi giảng trước quần chúng của Ngài Humphry Davy nữa. Tới khi Davy đi một chuyến công du khoa học vòng quanh châu Âu sáu tháng sau, ông thấy không thể thiếu Faraday nên đem đi cùng. Chuyến đi kéo dài hai năm và vô cùng thỏa mãn về mặt khoa học với Faraday. Không chỉ học được rất nhiều điều, ông còn được gặp nhiều nhà khoa học nổi tiếng, kể cả Ampere và Volta, những người mà đơn vị điện amp (A) và volt (V) được đặt tên.

Tìm ra chất mới

Khi trở về nước Anh năm 1815, Faraday lại được nhận vào làm việc tại Học Viện Hoàng Gia. Ông tham gia càng lúc càng nhiều vào các công trình phân tích hóa chất. Ông làm nghiên cứu về thép, thực hiện nhiều cải tiến về hợp kim thép.
Faraday trở thành người đầu tiên làm lỏng hóa clo. Ông tìm ra chất mới mà sau này gọi là benzene. Benzene sau này được tìm thấy nhiều ứng dụng quan trọng để sản xuất những hợp chất hữu cơ quan trọng như chất nhuộm, nylon và nhựa. Faraday cũng sản xuất nhiều loại thủy tinh khác nhau trong nỗ lực cải tiến tròng kính thiên văn.

Niềm yêu thích điện

Ngay cả khi Faraday dùng hầu hết thời gian nghiên cứu của ông vào hóa học, ông vẫn tiếp tục giữ niềm yêu thích điện. Năm 1820, một nhà khoa học người Đan Mạch là Hans Oersted cho thấy rằng dòng điện đi qua dây dẫn phát sinh từ trường xung quanh dây. Năm sau, Faraday phát triển công trình của Oersted bằng cách cho thấy rằng dòng điện có thể được tao ra bằng cách di chuyển cục nam châm xung quanh một dây dẫn hay làm dây dẫn quay xung quanh cục nam châm. Thiết bị xoay điện từ này là tiền thân của máy phát điện.1 
Cũng trong năm đó, 1821, Faraday được nhận làm thành viên của hội Hoàng Gia – một hội chuyên gia gồm những nhà khoa học hàng đầu để trao đổi khám phá và ý tưởng. Cũng trong năm đó, ông cưới Sarah Barnard, một thành viên ở hội thánh mình.
Vào thời đó, thực nghiệm đã cho thấy điện sinh ra từ. Mặc dù nhiều nhà khoa học không tin, Faraday tin rằng điều ngược lại cũng đúng, từ trường chắc có thể sinh ra điện. Faraday chứng minh điều này thành công năm 1831. Nhà khoa học người Anh William Sturgeon cuộn dây điện xoắn quanh một thanh sắt, nhờ đó tăng cường sức mạnh của từ trường tạo ra. Nhà khoa học Mỹ Joseph Henry thêm vỏ cách điện cho dây, tiếp tục tăng cường sức mạnh của từ trường. Bằng cách biến thanh sắt thành một vòng tròn hoàn chỉnh và quấn một cuộc dây có vỏ cách điện, Faraday đã sản xuất ra sáng chế vĩ đại nhất của mình –máy biến áp. Khi một dòng điện được bật và ngắt ở một mạch, nó sẽ tạo ra từ trường biến đổi, điều này sẽ tạo ra dòng điện với điện áp cường độ khác ở mạch kia.
Bởi vì điện được tạo ra và truyền tải ở điện áp cao và phải được chuyển hóa thành điện áp thấp để an toàn cho dân dụng, máy biến áp là một phần không thể thiếu trong hệ thống cung cấp điện hiện đại.
Sau đó, Faraday tìm cách sản xuất điện từ từ trường mà không cần phải bắt đầu từ điện. Ông tạo ra từ trường biến đổi bằng cách di chuyển một thanh nam châm ra vào một cuộn dây điện quấn quanh ống rỗng. Như trong trường hợp máy biến áp, từ trường biến đổi tạo ra dòng điện. Khám phá này giúp tạo ra máy phát điện mà chúng ta biết hiện nay.

Đức tin ở Đấng Tạo Hóa

Trong một quyển sách về Faraday và dòng điện, Brian Bowers viết rằng “Rất có thể đức tin vào một Đấng Tạo Hóa duy nhất đã thúc đẩy niềm tin khoa học vào một “sự thống nhất của các lực, ý tưởng rằng từ trường, điện và những lực khác có cùng một nguồn gốc.2 Faraday tiếp tục cho thấy là dòng điện sản xuất ra là như nhau ở mọi nguồn – bằng từ trường, bằng pin hóa học hay bằng tĩnh điện.
Faraday sau đó kết hợp hóa học với điện học trong các công trình nghiên cứu của mình. Ông tìm hiểu về điện phân, là việc phân tách các hóa chất bằng cách truyền điện qua chúng. Một ứng dụng đặc biệt là mạ điện, là cách một miếng kim loại được mạ bởi một lớp kim loại khác. Nghiên cứu của Faraday về điện dẫn ông tới phát hiện những qui luật quản trị điện hóa học. Ông cũng chịu trách nhiệm đặt tên cho những phần của các thiết bị mới (như chất điện phân, cực a-nốt và ca-tốt).

Không quá bận để làm chứng Cơ Đốc

Dù rất bận với việc nghiên cứu và giảng dạy của mình, Faraday luôn đóng vai trò tích cực ở hội thánh mình. Ông là trưởng lão suốt hơn 20 năm. Hội thánh của Faraday không có mục sư toàn thời gian. Thay vậy, các trưởng lão, kể cả Faraday, thay phiên nhau giảng luận và hướng dẫn thờ phượng. Hội thánh của Faraday nhấn mạnh việc sống theo lời Chúa Giê-xu trong Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5-7). Những nguyên tắc Cơ Đốc được thể hiện trong đó, như là rộng lượng, khiêm tốn, tha thứ được thể hiện rõ trong đời sống của Faraday.
Ông giúp đỡ rộng lượng các tổ chức từ thiện và những người nghèo ông thăm viếng. Ông cũng giúp đỡ người mẹ góa của mình nhiều năm. Faraday không quan tâm đến việc tích lũy của cải. Ông liên tục từ chối những vị trí tư vấn trả lương cao của chính phủ và công nghiệp để tập trung vào công việc nghiên cứu và giảng dạy với mức lương khiêm tốn của mình.
Danh tiếng của Faraday vang rộng. Ông được mời ăn trưa với nữ hoàng Victoria, và thành viên hoàng gia đến dự các buổi giảng của ông. Dù vậy, ông vẫn giữ sự khiêm tốn. Ông từ chối đề nghị làm Chủ tịch hội Hoàng Gia năm 1846. Năm 1864, ông từ chối lời đề nghị làm Viện trưởng viện Hoàng Gia vì nó làm giảm thời gian ông có cho nghiên cứu. Cũng cùng lý do đó ông từ chối vị trí Giáo Sư Hóa Học tại Đại Học Luân Đôn năm 1827.
Lòng vị tha của Faraday được thử thách nhiều lần. Ông cho rằng việc nhận lời mời ăn trưa của Nữ Hoàng là thích đáng, cho dù ông bị lỡ một buổi thờ phượng Chủ Nhật. Nhưng những trưởng lão khác không nghĩ rằng nó thích đáng. Họ bãi quyền trưởng lão của ông, thậm chí cả quyền thành viên nhà thờ trong một thời gian. Faraday phản ứng như Chúa Giê-xu sẽ làm. Ông tiếp tục tham gia thờ phượng và cư xử trong yêu thương với những người làm ông thương tổn. Ngoài ra, Faraday có nhiều báo cáo khác biệt với ý kiến của Ngài Humphry Davy trong suốt sự nghiệp làm khoa học của mình. Tuy nhiên, điều này không làm lu mờ sự kính trọng của Faraday cho Davy.
Việc dùng ngữ pháp và chính tả không tốt của Faraday phản ánh việc ông không được đến trường, nhưng năng lực khoa học thiên phú của ông là không thể chối cãi.
Michael Faraday mất vào Chủ Nhật, 25 tháng 8, 1867. Chỉ 14 năm sau, hệ thống cung cấp điện dân dụng đầu tiên trở thành hiện thực ở Godalming, Surrey. Từ đó, những khám phá của ông về điện vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng lớn trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Khi Faraday nghỉ hưu sau khi làm việc ở Viện Hoàng Gia sau hơn 50 năm, ông cám ơn những người đã làm việc với ông suốt những năm qua. Hơn nữa, ông cẩn thận “Cám ơn Đức Chúa Trời, trước hết, cho những món quà của Ngài”.3 Trong tiểu sử của Faraday, L.P. Williams viết “Sự khiêm tốn chân thành của ông dựa trên ý thức sâu sắc về những ân nợ của ông với Đấng Sáng Tạo. Rằng Michael Faraday, người con trai thất học của một thợ rèn thuê và một cô nông dân nghèo lại được cho phép nhìn thoáng qua nét đẹp của những quy luật vĩnh cửu của tạo hóa luôn là điều tự hỏi không dứt của ông.4

Những bài liên quan

Tài liệu tham khảo và ghi chú

  1. Joseph Henry, nhà khoa học Mỹ làm việc độc lập với Faraday, sản xuất mô-tơ điện trước Faraday một chút, nhưng Henry không xuất bản sáng chế của mình cho đến khi Faraday đã làm. Vì vậy, sách tiếng Anh thường công nhận Faraday sáng chế mô-tơ điện còn sách Mỹ thường công nhận Henry. Return to text.
  2. B. Bowers, Michael Faraday và điện, Priority Press, Hove, Sussex, trang 34, 1974 Return to text.
  3. Michael Faraday, như trích bởi Bowers, trang 86. Return to text.
  4. L. P. Williams, Michael Faraday, Simon & Schuster, New York, 1971, như trích trong: C. Ludwig, Michael Faraday, người cha của điện, Herald Press, Scottdale, Pennsylvania, trang 194, 1978. Return to text.
  5. Related Articles

7 điều Darwin đã sai lầm

Tiến sĩ John Stanford trình bày 7 sai lầm của Darwin, và nhiều người ngày nay vẫn tin vào những chỗ sai của ông ta.


Ts. John Stanford là giáo sư lĩnh vực gene cây trồng với hơn 70 bài báo khoa học, 32 bằng sáng chế, chế tạo ra súng bắn gene và thành lập 2 công ty. Ông về hưu sớm với tiền kiếm được từ các công ty của mình để phục vụ Chúa và theo đuổi các nghiên cứu mình yêu thích. (Điều này có nghĩa là ông không phải giáo sư giấy chuyên viết báo để sống và không phải chơi trò "viết báo hay là chết". Ông ta làm ra tiền từ những sản phẩm thật sự của công ty mình. Tự túc về tài chính giúp ông không sợ áp lực chính trị trong giới khoa học và có thể thoải mái nói suy nghĩ của mình mà không sợ mất việc / tiêu tan sự nghiệp).
http://en.wikipedia.org/wiki/John_C._Sanford
http://codocvadoisong.blogspot.com/2015/08/tien-si-di-truyen-thuc-vat-hoc-tien-hoa.html

1. Darwin sai lầm về khoa học (Triết gia VS Khoa học gia)
Darwin đã không làm theo qui trình khoa học thông thường

Qui trình khoa học thông thường
1. Thai nghén (động não, suy đoán tự do)
2. Thành lập giả thuyết (có thể kiểm chứng được)
3. Nghiên cứu thực nghiệm (làm thí nghiệm lập lại được)
4. Bảo vệ luận án (với giả thuyết và kết quả tái lập được)

Qui trình khoa học của Darwin
1. Thai nghén (động não, suy đoán tự do)
2. Kể chuyện sáng tạo
3. Dùng những ví dụ có chọn lọc và suy diễn
4. Bảo vệ luận án (với lập luận, các ví dụ chọn lọc và suy diễn)

Vậy Darwin là một triết gia chứ không phải một khoa học gia. Ông ta chủ yếu là một nhà khoa học ngồi salon.
_ Ông ta lập luận cho tư tưởng triết học tự nhiên (philosophical naturalism)
_ Bằng cấp của ông ta là thần học (một ngành kiếm nhiều tiền vào thời đó)
_ Ông ta chẳng phải là nhà thực nghiệm. Ông ta không làm nhiều thí nghiệm.
_ Ông ta lập luận dựa trên suy diễn ("Tôi không thấy giới hạn của ...")
_ Ông ta lập luận dựa nhiều vào kể chuyện ("Tôi có thể nghĩ thấy ...")

2. Darwin đã sai về địa chất (Thay đổi từ từ VS Thảm họa đột ngột)
Darwin tin rằng địa chất thay đổi dần dần trong hàng triệu năm (Địa chất từ từ). Ông ta diễn giải cách sông Santa Cruz tạo một thung lũng khổng lồ như sau
"Con sông, dù nó có rất ít sức lực để vận chuyển ngay cả những mảnh đá nhỏ nhất, nhưng qua các thời đại có thể tạo ra từ sức xói mòn dần dần một hiệu ứng ở độ khó có thể đoán được"
("The river, though it has so little power in transporting even inconsiderable fragments, yet in lapse of ages might produce by its gradual erosion an effect of which it is difficult to judge the amount")

Tuy vậy, cái thung lũng mà ông ta thấy không phải được tạo ra bởi con sông Santa Cruz nhỏ bé đó, mà bởi những trận lụt thảm họa đột ngột từ băng tan trên núi Los Glaciares National Park. Những trận lụt đó tạo ra thung lũng rộng lớn mà Darwin thấy (Địa chất đột ngột).
http://creation.com/darwins-mistake-on-the-santa-cruz-river

3. Darwin đã sai về hóa thạch
Dựa vào một con cá hóa thạch với cái vây rất to, Darwin tin rằng những con cá tiệt chủng đó dùng vây trong nước cạn và để bước trên bờ - bước chuyển đổi từ cá sang thú trên cạn. Tuy nhiên, những con cá đó vẫn còn sống tới ngày nay, và chúng sống dưới biển sâu
http://www.darwinismrefuted.com/natural_history_1_08.html

Darwin nhận thấy rằng dữ liệu hóa thạch đi ngược lại với lý thuyết của mình, vì chẳng có những liên kết trung gian hóa thạch giữa 2 loài
"Vậy tại sao không phải mọi lớp đại lý chứa đầy những liên kết trung gian? Địa chất chắc chắn là không cho thấy bất kỳ liên kết sinh học từ từ phát triển nào; và đây, có lẽ, là phản bác hiển nhiên và nghiêm trọng nhất có thể dẫn chứng chống lại lý thuyết"
("Why then is not every geological stratum full of such intermediate links? Geology assuredly does not reveal any such finely-graduated organic chain; and this, perhaps, is the most obvious and serious objection which can be urged against the theory")

Ông ta lý giải việc thiếu những kết nối trung gian do sự thiếu sót trong việc sưu tập hóa thạch
"Lời giải thích nằm ở, tôi tin rằng, trong sự thiếu sót trầm trọng của các dữ liệu địa chất"
("The explanation lies, I believe, in the extreme imperfection of the geological record")

Nhưng bây giờ, với hàng tỷ hóa thành được tìm thấy, và 250 triệu được thống kê, chúng ta vẫn chưa thấy liên kết trung gian giữa 2 tạo vật.
"Sự hiếm hoi cực kỳ của những dạng trng gian trong dữ liệu hóa thạch vẫn là bí mật nghề nghiệp của ngành cổ sinh vật học. Cây tiến hóa vốn trang điểm sách giáo khoa của chúng ta chỉ có dữ liệu ở các đỉnh và các nốt ở cành; phần còn lại là suy diễn, dù hợp lý thế nào đi nữa, chẳng phải là bằng chứng hóa thạch" --- Stephen Jay Gould, "Tốc độ thất thường của tiến hóa"
("The extreme rarity of transitional forms in the fossil record persists as the trade secret of paleontology. The evolutionary trees that adorn our textbooks have data only at the tips and nodes of their branches; the rest is inference, however reasonable, not the evidence of fossils." --- Stephen Jay Gould, "Evolution's Erratic Pace")

4. Darwin đã sai về cây sự sống
Darwin nghĩ về cây sự sống  như là có 1 rễ duy nhất và từ đó các cành lan ra. Dù vậy, bây giờ có hàng ngàn nhà khoa học sống bằng nghề đề xuất ra đủ các kiểu giả thuyết về cây kết nối (cladogram) để giải thích sự phức tạp giống nhau / khác nhau giữa các sinh vật sống, với các đường kết nối những tổ tiên chung giả định
https://goo.gl/5O2159

Tất cả các cây sự sống này đều là các bức vẽ tưởng tượng, với các loài thú ở đỉnh hoặc nốt, còn lại là suy diễn, như Stephen Jay Gould nói ở trên.

5. Darwin đã sai về bản chất sự sống
Darwin nghĩ rằng tế bào sống rất đơn giản: 1 cái nhân, màng tế bào, và chất sống (hỗn hợp protein)
"Nhưng nếu chúng ta có thể tưởng tượng trong một cái ao ấm nào đó, với đủ các chất amonia và muối lưu huỳnh, ánh sáng, nhiệt, điện, v.v.. khiến các hỗn hợp protein có thể được hình thành, sẵn sàng để chuyển hóa thành các dạng phức tạp hơn...""
("But what if we could conceive in some warm little pond, with all sorts of ammonia and phosphoric salts, light, heat, electricity, etc... that protein compound was chemically formed ready to undergo still more complex changes...")

Thực ra, một tế bào như một thành phố. Hệ thống thông tin của nó như mạng internet. Hệ thống phân phối năng lượng của nó như mạng điện thành phố. Thiết kế cơ khí của nó cho phép nhân đôi mọi thứ nhanh chóng.
https://www.youtube.com/watch?v=FzcTgrxMzZk

Darwin thách thức mọi người chứng minh là ông ta sai
"Nếu có thể chứng mình rằng có một cơ quan nội tạng nào tồn tại mà không thể được hình thành bởi vô số biến đổi nhỏ từ từ, lý thuyết của tôi sẽ đổ vỡ. Nhưng tôi không thấy trường hợp nào như vậy"
("If it could be demostrated that any organ existed, which could not possibly have been formed by numerous, successive, slight modifications, my theory would absolutely break down. But I can find out no such case")

Darwin hoàn toàn không biết gì về thế giới phức tạp của sinh học: sinh học tế bào, hóa sinh, sinh học phân tử, thuyết gene Mendel, biến dị, mã DNA, thông tin sinh học, sinh học dân số, sinh học thần kinh... Ông ta không biết về những thành phần phức tạp cần thiết để 1 tế bào hoạt động, và tất cả chúng phải có để tế bào có thể sống & hoạt động.

6. Darwin đã sai về lựa chọn tự nhiên
Darwin tin rằng gấu có thể tiến hóa thành cá voi bằng lựa chọn tự nhiên. Ông ta không biết gì về gene di truyền học và giới hạn của lựa chọn tự nhiên (tinh chỉnh những dữ liệu gene sẵn có khác với tạo ra dữ liệu gene hoàn toàn mới).
"Dù quá trình chọn lọc có thể chậm, nhưng nếu con người có thể làm được nhiều với khả năng lựa chọn của mình, tôi không thấy giới hạn của sự thay đổi... có thể xảy ra sau một khoảng thời gian dài bởi sức mạnh lựa chọn của tự nhiên"
"Tôi không thấy khó khăn nào khi một loài gấu bị tác động, bởi lựa chọn tự nhiên, trở nên dần hợp với nước hơn trong lối sống, và với miệng ngày một to ra, đến khi tạo ra một loài thú khổng lồ như cá voi."
("Slow though the process of selection may be, if feeble man can do much by his powers of artificial selection, I can see no limit to the amount of change... which may be effected in the long course of time by nature's power of selection"
"I can see no difficulty in a race of bears being rendered, by natural selection, more and more aquatic in their habits, with larger and larger mouths, till a creature was produced as monstrous as a whale.")

Lựa chọn tự nhiên có xảy ra, nhưng nó rất giới hạn, chỉ để tinh chỉnh gene thôi. Nó giúp gin giữ, nhưng không thể tạo ra dạng sống mới. Hầu hết mọi biến dị làm hư mất dữ liệu gene. Biến dị có ích quá hiếm để dò tính được.

7. Darwin đã sai về Chúa
Darwin đổ lỗi cho Chúa về mọi điều dữ. Ông còn nghĩ rằng Chúa tạo ra thế giới qua hàng tỉ năm đầy chết chóc, đau thương và khổ cực để tạo ra sinh vật bậc cao từ những sinh vật cấp thấp.
"Một đấng đầy quyền năng và kiến thức như Chúa... nó phản lại hiểu biết chúng ta để nghĩ rằng sự rộng lượng của ông ta là vô hạn, vì có ích gì khi hàng triệu những sinh vật cấp thấp phải khổ sở suốt vô cùng thời gian?"
("A being so powerful and so full of knowledge as a God... it revolts our understanding to suppose that his benevolence is not unbounded, for what advantage can there be in the sufferings of millions of the lower animals throughout almost endless time?")

Ngược lại, Kinh Thánh nói thưở ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật đều rất tốt. Không có cỏ dại, chỉ có cây đẹp mắt và trái thì ngon. Không có mưa, chỉ có hơi nước đi lên làm ẩm mặt đất. Con người và muôn thú ăn cây và trái. Điều dữ và cái chết đến với thế gian vì con người sai phạm. Tạo hóa cũng bị sai lạc vì bản chất tội lỗi của con người.

Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt mọi điều dữ và cá sự chết, kể cả sai phạm của con người. Tuy nhiên, để làm vậy Chúa cũng phải đẩy con người sai phạm xuống địa ngục cùng với Satan và những thiên sứ nổi loạn. Vậy nên Chúa kiên nhẫn chờ đợi để tất cả những ai sẽ hối lồi và nhận sự cứu rỗi của Chúa trong danh Giê-xu sẽ làm như vậy.

Khi ngày phán xét đến, Chúa sẽ đoán phạt cả người sống lẫn người chết. Chúa sẽ đẩy những kẻ bỏ qua sự cứu rỗi của mình xuống địa ngục với Satan. Rồi Chúa sẽ cấm dứt mọi điều dữ và sự chết, phục hồi tạo hóa về thưở ban đầu. Sẽ không có sự chết hay đau buồn.

Trước lúc đó, con người nên kiên nhẫn và chịu đựng sự sai phạm và đau khổ của thế giới này một lát. Đây là thời giờ ân điển của Chúa trước ngày phán xét, để những ai biết Tin Lành có thể rao truyền, và những ai chưa biết đến nhận sự cứu rỗi của Chúa.

-------------------------------------------
Từ bài nói chuyện trên phim của tiến sĩ John Stanford
http://sgstore.creation.com/catalog/darwin-wrong-viddl-p-577.html

Saturday, August 15, 2015

Tiến sĩ di truyền thực vật học – Tiến hóa kiểu Darwin là không thể

Don Batten trò chuyện với nhà di truyền thực vật học John Sanford về thuyết tiến hóa, biến dị, chọn lọc tự nhiên, và thuyết sáng tạo
http://creation.com/geneticist-evolution-impossible
Dịch với sự cho phép của Creation.com

Tiến sĩ di truyền thực vật học John Sanford bắt đầu công việc là nhà nghiên cứu khoa học tại đại học Cornell năm 1980. Ông đồng sáng chế phương pháp ‘súng Gen’ để chuyển đổi Gen cây trồng. Kỹ thuật này đã làm nên những ảnh hưởng lớn trong ngành nông nghiệp trên thế giới.

Tiến sĩ Sanford chia sẻ: ‘Là một phó giáo sư mới, tôi chịu trách nhiệm nâng cao năng suất cây trồng. Tôi làm việc trong lĩnh vực nhân giống các loại cây ăn quả và trở nên rất quen thuộc với khả năng của việc lựa chọn giống Gen và những giới hạn của các thay đổi có thể có được thông qua việc chọn giống. Tôi sớm tham gia vào việc nghiên cứu biến đổi Gen cây trồng. Lúc đó có vô số Gen xem có vẻ hữu dụng trong cây trồng, nhưng không có phương pháp nào để nạp những Gen đó vào bộ Gen của cây. Vào thời điểm đó không có “kỹ thuật biến đổi” nào.

‘Tôi khảo sát nhiều cách thức nạp Gen trước khi đồng nghiệp Ed Wolf (cũng ở Cornell) và tôi nghĩ ra ý tưởng bắn DNA vào tế bào, bằng cách thâm nhập qua tường và màng tế bào. Điều này bắt đầu một giai đoạn trong khám phá khoa học hào hứng với sự hợp tác của các nhà khoa học từ Cornell và những đại học khác. Trong bảy năm, khái niệm “súng Gen” đi từ một ý tưởng khôi hài và “điên khùng” thành một hệ thống cung cấp Gen cực kỳ hiệu quả. Hầu hết mọi giống biến đổi Gen đầu tiên đều được biến đổi bằng súng Gen – đặc biệt là bắp và đậu nành. Một phần lớn các giống biến đổi Gen bây giờ đều được biến đổi di truyền bằng quá trình súng bắn Gen của chúng tôi.

Súng Gen chỉ là một trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu của tôi. Nhưng công trình nghiên cứu này đã mở các cửa cho tôi – đem lại sự công nhận và nguồn tài chính. Tôi xem thành công của súng Gen là một phước lành đặc biệt để mở đường cho công việc hiện giờ của tôi – điều mà tôi cho là quan trọng hơn nhiều”.

Một sự thay đổi trong nhận thức

Tiến sĩ Sanford từng là một người theo thuyết tiến hóa nhưng rồi thay đổi ý kiến của mình
Tiến sĩ Sanford là một trong những nhà khoa học phát triển ‘súng Gen’. Súng Gen bắn Gen vào tế bào cây và tạo ra cuộc các mạng biến đổi Gen và nhân giống cây trồng.
“Tôi từng hoàn toàn tin theo thuyết tiến hóa. Nó là tôn giáo của tôi; nó là lăng kính mà qua đó mà tôi nhìn mọi thứ, nó là hệ thống giá trị và lẽ sống của tôi. Sau đó, tôi tin vào “Đức Chúa Trời”, nhưng điều này cũng không thay đổi nhiều trong quan điểm của tôi về nguồn gốc các loài. Tuy nhiên, về sau, khi tôi bắt đầu có được kinh nghiệm riêng tư về Chúa Giê-xu và thuận phục Ngài, tôi bắt đầu được thay đổi một cách cơ bản - trong mọi phương diện. Nó bao gồm cách suy nghĩ của tôi, và cách tôi nhìn khoa học và lịch sử. Tôi không nói rằng khoa học dẫn dắt tôi đến với Chúa (đó là kinh nghiệm của một số người). Đúng hơn thì tôi cho rằng Chúa Giê-xu đã mở mắt tôi về Tạo Hóa của Ngài – tôi đã mù, và dần dần tôi có thể thấy. Sự việc nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là một quá trình chậm và đau đớn.  Hiện tại tôi vẫn chỉ “thấy qua gương một cách mập mờ” (1 Cô-rinh-tô 13:12). Nhưng tôi thấy được hơn nhiều so với những gì trước đó tôi có thể thấy.

Ở mức độ cá nhân, đó là thời điểm thức tỉnh tâm linh, nhưng về công việc tôi vẫn giữ niềm tin của mình ‘trong ngăn tủ’. Tôi không cảm thấy tôi có thể bảo vệ đức tin của mình trong môi trường hàn lâm. Vì vậy nên tôi cảm thấy cần phải tạm rời môi trường hàn lâm và viện khoa học bởi vì những căng thẳng trong vấn đề này, và nguy cơ thù địch kinh khủng mà tôi cảm nhận được từ các đồng nghiệp hàn lâm của mình.

‘Tôi nghĩ môi trường hàn lâm rất thù địch đến cả ý tưởng về một Đấng Tạo Hoá sống và hoạt động, khiến cho một Cơ Đốc Nhân thực sự gần như không thể cảm thấy cởi mở hay được chào đón. Tôi đã cần một khoảng cách với giới hàn lâm để giữ được những gì tôi tin và hiểu lý do tại sao tôi lại tin. Tôi cảm thấy giờ tôi đã trưởng thành tới một điểm mà tôi có thể vào lại viện hàn lâm (mà tôi không bị đuổi) và không phải thỏa hiệp những điều căn bản trong đức tin Cơ Đốc của mình.’

Thuyết tiến hóa có quan trọng đối với khoa học?

Tôi hỏi John rằng anh nghĩ thế nào về tầm quan trọng của thuyết tiến hóa trong nghiên cứu sinh học.
Hầu như tất cả các giống cây biến đổi Gen ban đầu được biến đổi bằng súng Gen – đặc biệt là bắp và đậu nành.
Khoa học hàn lâm đã áp đặt thuyết tiến hóa một cách có hệ thống vào mọi khía cạnh của suy nghĩ con người. Trái lại với các suy nghĩ thông thường, điều này không phải vì thuyết tiến hóa là tâm điểm của mọi hiểu biết của con người, nhưng đúng hơn là do bởi một quá trình chủ yếu mang tính chính trị và tư tưởng. Kết quả là, trong môi trường trí thức hiện thời, bác bỏ thuyết tiến hóa trông như là bác bỏ chính khoa học vậy. Điều này hoàn toàn trái ngược.

“Một câu tiên đề thường được lập lại bởi các nhà sinh học là: “Chẳng hiểu được điều gì trong sinh học, trừ dưới ánh sáng của sự tiến hóa”. Ngược lại, không gì cách xa sự thật hơn thế! Tôi tin rằng ngoài suy nghĩ lý tưởng ra, sự thật hoàn toàn ngược lại: “Chẳng hiểu được điều gì trong sinh học, trừ dưới ánh sáng của sự thiết kế sáng tạo”

‘Chúng ta không thể thực sự giải thích được một hệ thống sinh học tiến hóa bằng cách nào, nhưng chúng ta có thể nhận thấy bàn tay thiết kế sáng tạo tuyệt vời đằng sau gần mọi thứ.

‘Tôi không thấy bất kỳ loại khoa học ứng dụng nào (khoa học máy tính, giao thông vận tải, y dược, nông nghiệp, kỹ thuật, v.v.) được hưởng lợi từ thuyết tiến hóa. Sự thật là thuyết tiến hóa được thêu dệt một cách hệ thống vào những bước tiến khoa học. Điều này phản ánh mức độ ảnh hưởng của chính trị với khoa học.’

Tiến hóa kiểu Darwin là bất khả thi

John giải thích tại sao những đột biến, quy trình giả định sẽ cũng cấp những mã Gen mới là nền tảng giúp sự tiến hóa, thực ra không thể làm được việc này:

‘Đột biến là những lỗi đánh máy sai trong bản hưởng dẫn của tế bào. Đột biến phá hủy mã Gen một cách hệ thống – như là đánh máy sai phá hủy những gì được viết vậy. Tuy cũng có những biến dị hiếm hoi là tốt (cũng như có những từ viết sai hiếm hoi là tốt), số biến dị xấu lớn hơn nhiều, chắc là một triệu lần. Vậy nên ngay cả khi cho một số biến dị tốt, hiệu quả thực của biến dị là vô cùng phá hoại. Càng nhiều biến dị, càng ít thông tin tốt trong mã. Đây là điều căn bản của quá trình đột biến.’

Liệu sự lựa chọn tự nhiên giúp ích cho quá trình này?

Tiến sĩ Sanford: ‘Việc lựa chọn là có ích. Việc lựa chọn loại bỏ những biến dị xấu nhất. Điều này làm chậm lại quá trình thoái hóa do đột biến.

Thêm nữa, rất hiếm khi một biến dị tốt đem lại đủ ảnh hưởng để được lựa chọn, rồi sẽ dẫn đến một số biến đổi thích nghi, hay một chút điều chỉnh tốt. Điều này cũng làm chậm lại quá trình thoái hóa. Nhưng việc lựa chọn chỉ loại bỏ được một phần rất nhỏ các biến dị xấu. Phần biến dị xấu lớn hơn nhiều và sẽ tích lũy không ngừng, nhưng rất khó nhận ra – vì hiệu ứng gây ra rất nhỏ - để có thể gây ảnh hưởng đến sức sống của chúng. Mặt khác, hầu hết các biến dị tốt (khi chúng xảy ra) đều không bị ảnh hưởng bởi quá trình chọn lọc – vì ảnh hưởng của chúng trên sự tăng trưởng sinh học là không đáng kể.
‘Vậy hầu hết các biến dị tốt đều không được lựa chọn và bị mất – ngay cả khi có sự lựa chọn gay gắt. Điều này đặt ra câu hỏi – vì hầu hết các nucleotide mang thông tin [các chữ DNA) đều đóng góp vô cùng nhỏ cho bộ Gen – làm sao chúng đến được đó, và làm sao chúng ở đó qua thời gian?

Việc lựa chọn làm giảm quá trình thoái hóa do biến dị, nhưng nó không hề ngăn chặn quá trình này. Vậy nên ngay cả khi có sự lựa chọn gắt gao, quá trình tiến hóa đang đi sai đường – đến sự tiệt chủng!’

Tiến sĩ Sanford đã viết một quyển sách: Sự bất bảo toàn của Gen (Gentic entropy) và bí mật của bộ mã Gen.

‘Quyển sách gần đây của tôi là kết quả của nhiều năm tập trung nghiên cứu. Nó bao gồm việc đánh giá lại hoàn toàn mọi điều tôi nghĩ tôi đã biết về thuyết tiến hóa Gen. Nó xem xét một cách hệ thống mọi vấn đề thuyết tân Darwin kinh điển. Kết quả sau cùng là thuyết tân Darwin thất bại ở mọi cấp độ. Nó thất bại vì: 1) biến dị xuất hiện nhanh hơn việc lựa chọn có thể loại bỏ chúng; 2) biến diện phần lớn quá khó thấy để có thể lựa chọn; 3) “sự nhiễu sinh học” và “sự tồn tại của kẻ may mắn nhất” chiếm lĩnh quá trình lựa chọn; 4) các Gen biến dị xấu gắn liền với các Gen biến dị tốt, vậy nên chúng không thể bị tách rời khi thừa kế (để loại bỏ cái xấu và giữ cái tốt). Kết quả là mọi bộ Gen phải bị thoái hoái. Đây chính xác là điều chúng ta có thể dự đoán trong quan điểm Kinh Thánh – với sự Sa Ngã – và nó cũng phù hợp với sự suy giảm tuổi thọ sau trận lụt Noah mà Kinh Thánh ghi chép.

Vấn đề bất bảo toàn của Gen (mọi bộ Gen đều dần thoái hóa) là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự sống và nhân loại phải còn trẻ. Sự không bảo toàn của Gen cũng có thể là cơ cấu căn bản giải thích quá trình tiệt chủng. Sự tiệt chủng trong quá khứ và hiện tại có thể được hiểu tốt nhất không phải trong dưới góc nhìn của thay đổi môi trường, mà dưới góc nhìn của việc tích lũy biến dị. Mọi điều này đều phù hợp với một khởi đầu màu nhiệm, một trái đất trẻ, và một trái đất đang hư nát – “Trời đất sẽ cũ đi như cái áo” (Hê-bơ-rô 1:11). Chỉ có ngón tay của Đấng Sáng Tạo mới có thể làm mọi chuyện trở nên mới.

‘Mọi vấn đề của thuyết tiến hóa, được phát họa trong quyển “Sự bất bảo toàn của Gen và bí mật bộ mã Gen” giờ đã được chứng minh một cách chặt chẽ bằng mô phỏng số học. Chúng tôi làm điều này bằng “Viên kế toán của Mendel” (Mendel’s Accountant), chương trình phân tích hiện đại nhất cho các hệ thống Gen. Năm nhà khoa học - John Baumgardner, Wes Brewer, Paul Gibson, Walter ReMine, và tôi đã phát triển chương trình này. Chúng tôi đã báo cáo những phát hiện mới này trong hai báo cáo khoa học phi tôn giáo, và chúng sẽ được thảo luận trong quyển sách thứ hai, “Sự bất bảo toàn của Gen và viên kế toán của Mendel”.

Tiến sĩ Sanford cũng thấy tiềm năng lớn cho những nhà nghiên cứu thuyết sáng tạo:

‘Có một nhu cầu cấp bách cần thêm nhiều nhà nghiên cứu theo thuyết sáng tạo. Mùa gặt thì thật trúng, song người gặt thì ít (Ma-thi-ơ 9:37). Mặc dù có hàng ngàn nhà khoa học và kỹ sư tin vào thuyết sáng tạo, có rất ít nghiên cứu đang được thực hiện để gây tác động đủ lớn tới vấn đề sáng tạo. Với hỗ trợ tài chính và việc sàng lọc những giả định, tư tưởng và định kiến trong khoa học sẽ giúp các dự án nghiên cứu nguồn gốc tiếp tục thử thách thuyết Darwin. Rất cần những nhà khoa học thông minh với đầu óc độc lập để bơi ngược dòng, đánh giá tất cả những giả định của tư tưởng Darwin, và tự mình phân tích dữ liệu thô. Như tôi đã tìm thấy “tiên đề chính” của thuyết tiến hóa (đột biến cộng với lựa chọn tự nhiên tạo ra chức năng sống cao hơn) được chứng minh là sai, vậy cũng sẽ có những giả định khác đang đợi để bị lật đổ

Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang nói “Ta sẽ sai ai đi?”.

Các bài liên quan

Phim ảnh liên quan

Tài liệu tham khảo và di trú

  1.        Ngay cả những biến dị tốt hiếm hoi vẫn mất thông tin. Xem ví dụ ở Biến dị Hỏi & Đáp; <creation.com/mutation>
  2. .       Ở cạnh nhau về vật lý trên cùng một nhiễm sắc thể, dẫn tới sự phân bào hiếm khi tách rời chúng

Friday, April 17, 2015

Ngài Isaac Newton (1642/3 – 1727): Một nhà khoa học thiên tài

Dịch với sự cho phép của Creation.com

Ngài Isaac Newton (1642/3 – 1727): Một nhà khoa học thiên tài

Isaac Newton nổi tiếng là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất từng sống. Điều ít được biết hơn là đức tin sâu đậm của ông với Đức Chúa Trời và niềm tin của ông rằng nghiên cứu khoa học đem đến hiểu biết lớn hơn về Chúa -  Đấng Sáng Tạo của vũ trụ.

Isaac Newton sinh ra ở Woolhorpe, Lincolnshire, nước Anh vào lễ Giáng Sinh năm 1642. Trong đêm đông lạnh giá ấy, đứa bé bệnh tật sinh non xem ra không có hi vọng sống. Tuy nhiên, dần dần, em bé trở nên đủ mạnh để sống. Nhưng những năm đầu của Isaac là một giai đoạn đầy khó khăn. Mẹ của ông trở thành góa phụ chỉ hai tháng trước khi Isaac được sinh ra. Ngay cả khi được bà ngoại giúp đỡ, người mẹ vẫn gặp khó khăn chăm sóc cho Isaac bên cạnh việc chăm lo cho nông trại khi mà cuộc nội chiến nước Anh đang diễn ra khốc liệt xung quanh họ.

Vài năm sau, mẹ ông lấy một mục sư từ vùng North Witham gần đó, nhưng Isaac ở lại Woolthorpe với bà ngoại mình. Dù vậy, khi ông lớn lên ông đi thăm mẹ mình thường xuyên hơn. Ông rất hào hứng khi đọc sách từ thư viện đầy sách của cha dượng mình, cũng như đọc kinh thánh thường xuyên.

Isaac đi học tại Học Viện Nhà Vua (King's College) ở gần vùng Grantham. Thay vì chơi các trò chơi ngoài trời như các cậu bé khác, ông thích làm những mô hình các vật như cối xay gió hay xe kéo. Các mô hình này không những có tỉ lệ như thật, mà những bộ phận máy cũng thực sự hoạt động.

Mẹ Isaac lại trở thành góa phụ lần nữa khi ông 14 tuổi. Isaac phải rời trường để chăm sóc nông trại gia đình giúp mẹ và 3 em nhỏ của mình. Tuy nhiên, Isaac nhớ da diết việc đi học của mình và mẹ ông nhận thấy điều ấy. Khi Học Viện Nhà Vua đề nghị cho miễn phí tiền học vì năng lực ông và hoàn cảnh nghèo, Isaac đã quay lại và hoàn tất việc học của mình. Các thầy giáo và những học viên khác rất ấn tượng bởi kiến thức Kinh Thánh của cậu bé.

Dự định trở thành một mục sư

Sau đó Isaac đến Học Viện Trinity ở Đại Học Cambridge với dự định trở thành mục sư của giáo hội Anh. Một lần nữa, cuộc sống không dễ dàng với ông. Bởi vì ông không có khả năng trả học phí, ông phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày phục vụ bữa ăn và làm những việc khác cho các giáo sư để trả tiền học. Kiến thức về Kinh Thánh của Isaac tiếp tục gây ấn tượng cho mọi người xung quanh.

Vào thời đó những ý tưởng của cái học giả Hy Lạp cổ đại vẫn thống trị những gì được dạy trong khoa học, và những phát hiện khoa học mới phần lớn bị phớt lờ. Điều này khiến Isaac Newton rất bất bình vì ông tin chắc rằng mọi ý tưởng trong khoa học phải được thử nghiệm và chỉ được công nhận nếu những điều hữu ích của nó được chứng minh. Ông cam kết theo phương pháp thực nghiệm của khoa học.

Isaac tốt nghiệp năm 1665, ngay trước đợt dịch hạch “Cái Chết Đen” bùng phát và quét qua London. Mọi trường đại học bị đóng cửa khi dịch hạch hoành hành. Trong lúc này, Isaac trở về nông trang của mình, hiện giờ đang được quản lý bởi người em cùng mẹ khác cha của mình. Ông tiếp tục việc học và nghiên cứu của mình về định lý nhị thức, ánh sáng, kính thiên văn, vi phân và thần học. Nghe nói là sau khi thấy trái táo rơi trong vườn, ông tìm hiểu về trọng lực, nhưng không tìm ra được lời giải cho đến vài năm sau. (Cũng lưu ý là nhiều chuyên gia nghi ngờ câu chuyện quả táo này. Họ nói câu chuyện này được nhắc tới lần đầu từ triết gia phản đối và hoài nghi tôn giáo người Pháp, Voltaire, người được cho là đã nghe nó từ cháu nội của Newton.)

Cuộc cách mạng trong toán học
Newton áp dụng định lý nhị thức vào chuỗi vô hạn và từ đó phát triển vi phân, một dạng mới cách mạng trong toán học. Lần đầu tiên chúng ta có thể tính chính xác diện tích bên trong một hình gồm các đường cong, và tính tốc độ thay đổi của một lượng vật lý so với một lượng khác. Một hệ thống toán học tương tự được phát triển bởi nhà toán học người Đức Gottfried Leibniz. Trong một thời gian dài đã có sự mập mờ lớn, người này tố cáo người kia ăn cắp thành tựu của mình. Đó là một giai đoạn mệt mỏi cho cả hai. Nhiều năm sau, nó đã được công nhận là cả hai đã phát triển vi phân độc lập gần như cùng lúc. Không ai gian lận cả.


Quang học

Khi Đại Học Cambridge mở cửa lại năm 1667, Isaac Newton trở lại học Thạc Sĩ, trong khi giảng dạy và nghiên cứu.

Newton dùng lăng kính để cho thấy ánh sáng mặt trời được tạo thành bởi tất cả các màu của cầu vồng. Điều này chứng minh rằng các ý tưởng của Hy Lạp cổ đại về ánh sáng là sai. Vào thời của Newton, thiên văn học bị kìm hãm vì các thấu kính của kính thiên văn tách ánh sáng ra làm nhiều màu, khiến nhìn không rõ. Dù không phải là người đầu tiên nghĩ đến chuyện dùng gương cong thay cho thấu kính, Newton là người đầu tiên thành công trong việc xây dựng kính thiên văn dựa trên nguyên tắc này – một nguyên tắc vẫn được dùng ngay nay trong nhiều kính thiên văn.

Hội Hoàng Gia

Năm 1672, Newton trở thành một thành viên của Hội Hoàng Gia – một nhóm các nhà khoa học cam kết với phương pháp khoa học thực nghiệm. Ông trình bày một trong những kính thiên văn mới cùng với những khám về ánh sáng của mình. Hội Hoàng Gia thiết lập một hội đồng lãnh đạo bởi nhà vật lý Robert Hooke để đánh giá những phát hiện của Newton. Hooke là một nhà khoa học làm việc cho Hội Hoàng Gia để đánh giá những phát minh mới. Tuy nhiên, Hooke đã sẵn có những ý tưởng của mình về ánh sáng và chậm chấp nhận những sự thật mà Newton đã tìm ra. Điều này làm Newton ngạc nhiên và thất vọng, khiến ông từng nghĩ đến việc không báo cáo những phát hiện sau này của mình.

Dù có người nghĩ rằng Newton quá nhạy cảm với những đánh giá của người khác về công trình của mình, ông chỉ đơn giản lo ngại rằng việc bảo vệ những phát hiện cũ sẽ làm mất thời gian của ông trong việc tìm kiếm những phát hiện mới.

Ảnh hưởng của chính trị
Isaac Newton sống vào thời mà chính trị, tôn giáo và giáo dục không tách rời. Vua Charles đệ nhị yêu cầu tất cả những ai dạy ở nơi như Học Viện Trinity, nơi đào tạo mục sư của giáo hội Anh, cũng phải được phong chức mục sư giáo hội Anh sau bảy năm. Kể cả những người như Newton chỉ dạy toán học và khoa học, không dạy thần học.

Mặc dù là một Cơ Đốc nhân thành tín, Newton không hoàn toàn đồng ý với tất cả các giáo điều của Giáo Hội Anh. Vậy nên lương tâm không cho phép ông nhận chức. Ông cũng chống đối mạnh mẽ việc các nhà chính trị nhúng tay vào những việc của tôn giáo và giáo dục. Cách duy nhất để Newton có thể giữ việc là được đích thân nhà vua miễn trừ cho trường hợp của mình. Trước đây nhiều người đã từng xin điều này nhưng đều bị từ chối.

Vậy nên Newton đi xuống phía nam đến London sáu tuần để xin nhà vua miễn trừ cho trường hợp của mình. Trong thời gian ở London, ông làm quen với nhiều nhà khoa học khác trong Hội Hoàng Gia. Những người trước đây chỉ biết đến ông qua thư bảo vệ những khám phá của mình đã hiểu lầm sự tự tin của ông là ngạo mạn. Sự nôn nóng muốn làm tiếp công trình mới của ông bị hiểu lầm là nóng tính. Giờ khi họ biết ông là một người thân thiện và tế nhị như thế nào, họ ra sức giúp ông. May mắn thay, cho Newton và cho nền khoa học, nhà vua chấp nhận lời thỉnh cầu của Newton được tiếp tục làm ở Học Viện Trinity mà không cần phải được phong chức.

Tập trung vào trọng lực

Vào thời của Newton, nhiều người mê tín hoặc lo sợ những việc họ không hiểu, như sự xuất hiện của sao chổi, một điều được xem như là dấu hiệu của thảm họa đang tới. Ngay cả những nhà khoa học cũng thường nghĩ rằng chuyển động của các hành tinh và chuyển động của vật thể trong trái đất là hai vấn đề khác nhau. Ngược lại, Newton lập luận rằng vì cùng một Đức Chúa Trời sáng tạo nên các tầng trời lẫn dưới đất, nên cùng một qui luật tự nhiên được áp dụng mọi nơi.

Năm 1684, Newton một lần nữa bắt đầu xem xét trọng lực. Ông phát triển lý thuyết về trọng lực toàn vũ trụ, sử dụng định luật đảo nghịch bình phương. Ông cũng phát triển ba định luật về chuyển động và chứng minh bằng toán học rằng những định luật đó đúng là cùng được áp dụng trên các tầng trời lẫn dưới đất. Đức tin của ông đã tập trung những suy nghĩ của ông vào hướng đi đúng.

Khi Newton đang nghiên cứu chuyển động của các hành tinh, ông thấy khá rõ ràng bàn tay của Chúa đang làm việc. Ông viết rằng:

“Hệ thống đẹp nhất của mặt trời, các hành tinh, và các sao chổi, chỉ có thể xuất phát từ ý định và sự tể trị của một Đấng trí tuệ... Đấng này tể trị mọi vật, không phải như là linh hồn của thế gian, nhưng là Chúa của tất cả, và vì sự tể trị của Ngài mà Ngài sẽ được gọi là “Chúa Toàn Năng” Παντοκράτωρ  [Pantokratōr ở 2 Cô-rinh-tô 6:18], hay “Chủ của muôn vật”... Thần Tối Cao là Đấng vĩnh hằng, vô tận và tuyệt đối hoàn hảo [2]...

Trái với sự tin kính là vô thần trong suy nghĩ và thờ cúng thần tượng trong hành động. Chủ nghĩa vô thần thật là vô nghĩa và đáng khinh với nhân loại đến độ nó chẳng bao giờ có nhiều người xưng nhận.[3]

Một lần nữa Newton gặp khó khăn với người cạnh tranh cũ của mình Robert Hooke. Một số nhà khoa học tin rằng định luật đảo nghịch bình phương có thể được áp dụng, nhưng họ không thể chứng minh được rằng điều này sẽ tạo ra quỹ đạo hình ê-líp quan sát được bởi nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler. Dù rằng Hooke khoe khoang điều ngược lại, ông ta cũng thất bại trong việc chứng minh. Ngược lại, Newton thành công, nhưng Hooke vẫn muốn được một phần công.

Hội Hoàng Gia không muốn bị xem là theo phe nào. Điều này, cộng với thiếu thốn về tài chính, khiến hội Hoàng Gia ngần ngại xuất bản quyển sách nổi tiếng của Newton “Principia Mathematical” (Nguyên tắc toán học). Bạn của Newton, nhà thiên văn học Edmon Halley, giúp ông và dùng tài chính riêng của mình để xuất bản quyển sách gồm ba phần của Newton vào năm 1687. (Halley sau này dùng những định luật của Newton trong việc nghiên cứu sao chổi của mình, vì sao chổi, cũng như những hành tinh, di chuyển theo hình ê-líp vòng quanh mặt trời.)

Sự chống đối của hoàng gia

Sau năm 1685, Newton một lần nữa lại gặp rắc rối với một nhà vua muốn trộn lẫn chính trị, tôn giáo và giáo dục. Nhà vua mới, James đệ nhị, muốn Học Viện Trinity trao tặng bằng cấp cho những người có niềm tin về tôn giáo giống ông ta. Bởi vì không chấp thuận làm theo nên Newton và tám đồng nghiệp ở Học Viện Trinity bị bắt ra trước tòa án cấp cao với tội chống lệnh trên. Dù rằng những lệnh bắt giữ rồi cũng bị bãi bỏ đúng theo luật, chuyện này vẫn gây áp lực rất lớn cho họ.

Những giai đoạn khó khăn và tranh đấu vất vả trong suốt cuộc đời mình không làm cho Isaac Newton trở nên cay đắng. Ngược lại, chính lời viết của Newton cho thấy chúng giúp ông trở nên gần Chúa hơn. “Khó khăn thử thách là những liều thuốc mà Đấng chữa lành khôn ngoan và nhân từ cho vì chúng ta cần chúng; và tỉ lệ, tầng số và mức độ của chúng tùy theo hoàn cảnh chúng ta đòi hỏi. Hãy tin tưởng ở tài năng của Ngài và cám ơn Ngài về đơn bệnh.”

Suy sụp thần kinh

Isaac Newton đại diện Đại Học Cambridge là thành viên quốc hội vào năm 1689 và 1690. Năm 1690, sức khỏe ông suy giảm. Bệnh này có thể là suy sụp thần kinh do nhiều năm làm việc nhiều giờ và chịu đựng quá nhiều căng thẳng. Cuối cùng ông cũng hồi phục. Trong vài năm sau đó, Newton theo đuổi niềm yêu thích lớn khác của mình – học Kinh Thánh. Những sách ông viết bao gồm “Bảng niên đại những vương quốc cổ” và “Nhận xét về những tiên tri của Daniel”.

Năm 1696, nhà nước bổ nhiệm Newton vào vị trí quản lý việc đúc tiền. Ông quản lý việc thay thế những đồng bạc cũ và sứt mẻ bằng những đồng mới, bền hơn, và còn giúp phá vỡ một đường dây làm tiền giả.

Năm 1701, Newton bắt đầu một thời gian ngắn nữa làm thành viên quốc hội. Hai năm sau ông được bầu làm chủ tịch Hội Hoàng Gia. Việc ông được tái cử vào vị trị đó hằng năm cho đến cuối đời cho thấy sự kính mến mà ông có ở các đồng nghiệp khoa học gia. Bây giờ ông đã trở lại với khoa học, Newton xuất bản những công trình ban đầu của mình về ánh sáng. Quyển sách của ông, Optiks (Quang Học) chứa cả những khám phá của mình và các gợi ý về phương hướng nghiên cứu tiếp theo. Đất nước ông bắt đầu nhìn nhận những công trình của ông năm 1705 khi ông trở thành người đầu tiên được nhận phong hàm hiệp sĩ cho những thành tựu khoa học.

Newton mất năm 1727 lúc 84 tuổi. Ông được chôn tại tu viện Westminster.

Những đóng góp của Isaac Newton cho khoa học rất nhiều và đa dạng. Chúng bao gồm những ý tưởng cách mạng và những phát minh thực tế. Các công trình về vật lý, toán học và thiên văn học của ông vẫn con quan trọng ngay cả ngày nay. Những đóng góp của ông ở chỉ một lĩnh vực trong đó cũng đủ làm ông nổi tiếng; tập hợp lại, chúng cho thấy ông thật sự xuất chúng. Nhưng Newton vẫn là một người khiêm tốn yêu Chúa, Đấng Cứu Rỗi của mình.

Ông yêu Chúa và tin ở lời Chúa – tất cả mọi điều. Ông viết rằng “Tôi có đức tin căn bản vào Kinh Thánh là Lời của Chúa, được viết bởi những người được cảm thúc. Tôi học Kinh Thánh mỗi ngày”.
(Lời trích của Newton được lấy từ sách của J.H. Tiner, Isaac Newton, người sáng chế, nhà khoa học và thầy giáo, Mott Media, Milform (Michigan), 1975.)

Tham khảo (thêm vào bởi chủ bút)

[1] Một số người nói ông theo tư tưởng Arian (nói rằng Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu là tách biệt). Nhưng điều này bị bác bỏ bởi Pfizenmaier, T.C., "Có phải Isaac Newton là người theo Arian?" - Tạp chí về lịch sử các tư tưởng 68(1):57-80, 1997. Một tài liệu bảo vệ suy nghĩ ba ngôi của Newton là luận văn tiến sĩ "Thần học của Ngài Isaac Newton" bởi Van Alan Herd, đại học Oklahoma, 2008. Tại liệu này có nhiều dẫn chứng, kể cả lời từ chính Newton bác bỏ thuyết Ba Ngôi Tách Biệt (tritheism) và ủng hộ Ba Ngôi Trong Một (Triniarian monotheism)
Nói rằng chỉ có một Chúa, Đức Cha của muôn vật, không loại trừ Đức Con và Đức Thánh Linh khỏi ngôi Chúa vì họ đều thực sự bao gồm và mặc nhiên ở trong Đức Cha. ... Việc dùng tên của Chúa cho Đức Con hay Đức Thánh Linh như những người tách biệt khỏi Đức Cha không làm họ thành các Chúa khác với Đức Cha. ... Vậy nên có thần tính trong Đức Cha, thần tính trong Đức Con và thần tính trong Đức Thánh Linh, nhưng họ không phải là ba thế lực, mà là một.
[2] Các nguyên lý (Principia), quyển 3; trích dẫn từ "Triết lý về thế giớ tự nhiên của Newton: những đoạn chọn lọc trong các trang viết của ông", trang 42, chủ bút bởi H.S. Thayer, Thư viện cổ điển Hafner, NY, 1953
[3] Một giản lược về đạo giáo chân chính, bản thảo trích từ "Hồi ký về cuộc đời, những tác phẩm và khám phá của Ngài Isaac Newton", trang 347, bởi Ngài David Brewster, Edinburg, 1855.

Sau khi đọc về cuộc đời của Isaac Newton, bạn hãy tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau: 
1. Những đức tính nào giúp Isaac Newton trở thành một nhà khoa học tài năng?
2. Những trở ngại nào Isaac Newton phải vượt qua để thành công trong công việc của mình? Ông vượt qua chúng như thế nào?
3. Đức tin ở Đức Chúa Trời đã giúp Isaac Newton những gì trong đời sống của mình?

Tuesday, March 17, 2015

Thánh Patrick và việc cầu nguyện


Cầu nguyện là gì? Khi mới tin Chúa, câu chuyện về cuộc đời thánh Patrick đã cho tôi một ví dụ cụ thể sinh động về cầu nguyện.
Thánh Patrick là công dân La Mã ở Scotland, con của một vị quan và cháu một linh mục. Là công tử con quan, Patrick hẳn đã có một tuổi thơ êm ấm. Nhưng năm 16 tuổi, khi đi dạo bãi biển, công tử Patrick bất ngờ bị cướp biển bắt cóc và bán làm nô lệ chăn cừu ở Ireland.
Từ công tử con quan thành nô lệ chăn cừu trên một vùng đất man rợ không biết tiếng, cú sốc nặng nhất với Patrick là sự cô độc. Người chăn cừu phải luôn ở với bầy cừu trên đồng vắng từ ngày này sang ngày khác. Patrick lại không biết tiếng, nên có gặp người cũng không nói chuyện được. Khi thèm muốn trò chuyện, Patrick chợt nhớ đến Đức Chúa Trời mà cha và ông mình hay nói. Vậy là anh bèn nói chuyện với Chúa (đỡ hơn nói với mấy con cừu).
Dần nó trở thành một thói quen. Patrick nói chuyện với Chúa luôn luôn. Nói từ sáng tới tối, nói về đủ chuyện, nói hết suy nghĩ, nói hết nỗi lòng. Trong quyển tự truyện "Lời tự thú" (The confession) của mình, ông nói "tôi cầu nguyện hàng trăm lần mỗi ngày, và tối cũng nhiều như thế". Cứ vậy sau vài năm, đến khi ông nằm mơ và thấy được chỉ một hướng kia, đi theo đó sẽ về nhà. Patrick liền dậy và đi. Cứ thế, sau 2 tuần thì ra đến bờ biển. Ông xin lên được một con thuyền đi Scotland và về được đến nhà.
Ở Anh, Patrick lại mơ có tiếng kêu gọi từ hòn đảo Ireland mọi rợ: “Chúng tôi xin anh, hỡi chàng trai thánh, hãy đến và cùng đi với chúng tôi một lần nữa”. Và Patrick đã trở lại là một nhà truyền đạo. Đến cuối đời mình, ông đã làm lễ báp tem cho hơn 100,000 người, lập hơn 300 nhà thờ, và biến Ireland từ hòn đảo man rợ còn sở hữu nô lệ thành hòn đảo thánh, một trung tâm học thuật Cơ Đốc nổi tiếng. Một trăm năm sau, Ireland là nơi gởi ra các nhà truyền đạo trở lại châu Âu để rao giảng Tin Lành khi nó chìm trong bóng tối do đế quốc La Mã sụp đổ trước các bộ lạc man rợ phương Bắc.
Vậy cầu nguyện là gì? Như thánh Patrick đã làm, cầu nguyện là nói chuyện với Chúa (đỡ hơn nói với mấy con cừu). Nói từ sáng tới tối, nói về đủ chuyện, nói hết suy nghĩ, nói hết nỗi lòng… như là nói chuyện với một người bạn vô hình ở bên cạnh. Và quả vậy, Chúa hứa là sẽ luôn vô hình ở bên cạnh những ai tin Ngài.
“…Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” --- Ma-thi-ơ 28:20b
Có ai để ý Abraham, Issac, Jacob, Moses, David… đều là người chăn cừu không? Chắc vì họ cũng có những trải nghiệm như Patrick vậy