Saturday, December 7, 2019

5 Điều Khiến Lời Cầu Nguyện Của Bạn Không Được Đáp Lời

Đức Chúa Trời chắc chắn luôn đáp lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng tại sao có những lúc lời cầu nguyện được nói ra lại không được đáp lời? Phải chăng Chúa đang không lắng nghe? Hay điều đó có nghĩa là Ngài không yêu chúng ta?
Tất nhiên, Chúa nghe chúng ta, Chúa yêu chúng ta, và Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Song, chúng ta phải biết rằng có một số điều ngăn cản lời cầu nguyện của ta được đáp lời, và trách nhiệm của chúng ta là xử lý chúng hoặc làm những điều này nếu chúng ta muốn nhận được những gì mà chúng ta cầu nguyện.
Bạn có từng có những lời cầu nguyện chưa được đáp lời không? Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời có vẻ như không đáp lời? Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn.
Đây là một số điều sẽ ngăn cản các lời cầu nguyện của bạn không được trả lời.
1.      Không xưng nhận tội lỗi
Tội lỗi chưa xưng nhận sẽ luôn luôn cản trở việc Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Đức Chúa Trời đã nói trong 2 Sử Ký 7:14
"Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng dân ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ khỏi tai vạ."
2.      Không tha thứ
Bạn có biết rằng việc không tha thứ cũng cản trở việc Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta? Tại sao vậy? Điều này liên quan đến nguyên nhân chưa xưng nhận tội lỗi ở trên. Mác 11: 25-26 nói cho chúng ta tại sao.
"Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi."
3.      Không có đức tin
Chúa Giê-xu luôn nói rằng nếu chúng ta cầu nguyện nhân danh Ngài và tin rằng chúng ta sẽ nhận được, rồi chúng ta sẽ nhận được. Sự thiếu đức tin của chính chúng ta đã ngăn cản sự đáp lời.
"Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ chi hết, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, song dầu các ngươi biểu hòn núi nầy rằng: Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được. Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả." (Ma-thi-ơ 21: 21-22)
4.      Động cơ sai trật
Chúng ta có thể cầu xin bất kỳ điều gì và có đức tin rằng chúng ta đã nhận được, ấy vậy mà chúng ta vẫn chưa nhận được điều đó. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta cầu xin với động cơ sai trật! Gia cơ 4:3 nói rất rõ điều này:
"Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình."
5.      Bạn không cầu xin theo ý Chúa
Giờ điều này dẫn tôi đến ý cuối của mình. Bởi vì chúng ta có những động cơ sai trật, chúng ta cầu xin theo ham muốn của chính mình, không theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không phải là ông thần đèn của riêng chúng ta, và Ngài không chỉ theo đuổi hạnh phúc của riêng chúng ta - Ngài theo đuổi sự nên thánh của chúng ta.
Nếu chúng ta muốn lời cầu nguyện của mình được đáp lời, chúng ta phải học để cầu xin theo ý muốn của Chúa.
"Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài." (I Giăng 5: 14-15)
Richard Huynh dịch
Nguồn: christiantoday.com

Sunday, April 28, 2019

Môn Đồ Hóa 101 - Phần 3 - Kinh Thánh - Lời Chúa Là Gì? Các Cách Học Kinh Thánh


Nội dung

1.       Kinh Thánh / Lời Chúa là gì?
2.       Tính chất của Lời Chúa – Tại sao việc học Lời Chúa là rất quan trọng?
3.       Tác động của Lời Chúa trên đời sống chúng ta
4.       Vài nguyên tắc để học Lời Chúa
5.       Tập đọc Lời Chúa – thực tập
6.       Chia sẻ

1. Kinh Thánh / Lời Chúa là gì?

·         Kinh Thánh là gì?

Nếu bạn có điều kiện, hãy xem đoạn phim ngắn này

Kinh Thánh gồm 66 quyển (kể cả thơ), được chia làm Cựu Ước và Tân Ước, được viết bởi hơn 40 tác giả qua hơn 1500 năm. Các tác giả của Kinh Thánh sống trong các thời kỳ khác nhau và làm các công việc khác nhau: Ê-sai là nhà tiên tri, Ê-xơ-ra là thầy tế lễ, Ma-thi-ơ là người thu thuế, Giăng là người đánh cá, Phao-lô là người may lều, Môi-sê là người chăn cừu, Lu-ca là bác sĩ, v.v... Mặc dù được viết bởi những tác giả khác nhau trong hơn 15 thế kỷ, Kinh Thánh không có bất kỳ lời nào trái nhau và cũng không có điểm sai nào. Các tác giả có những góc nhìn khác nhau, nhưng họ đều nói về một đấng Chân Thần, và cùng một đường cứu rỗi – Chúa Giê-xu Christ.

·         Tại sao một tập hơn các quyển sách được viết ra trong hơn 1500 năm với những tác giả khác nhau mà vẫn nói về một câu chuyện thống nhất?

Vì Kinh Thánh là một quyển sách viết bởi nhiều người nhưng chỉ có một Tác Giả - “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính” (2 Ti-mô-thê 3:16). Đây là lý do Kinh Thánh được gọi là Lời Chúa.

·         Đó là lời sống – ““Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng.” – Hê-bơ-rơ 4:12

·         Lời Chúa là lẽ thật, là hoàn hảo, và không sai chỗ nào. “Còn Đức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; Lời của Đức Giê-hô-va đã được tinh luyện, Ngài là cái khiên cho những ai nương náu nơi Ngài.” (Thi Thiên 18:30)

·         Kinh Thành có thẩm quyền tối thượng trong những gì chúng ta tin và điều ta phải làm. (Mác 7:1-20, Mác 12:18-27).

·         Bản tính của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Kinh Thánh (như danh Ngài, những câu chuyện và lời chứng về Ngài).

·         Kế hoạch của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Kinh Thánh. Có một sợi chỉ đỏ kể về kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời xuyên suốt Kinh Thánh.

2. Tính Chất Của Lời Chúa: tại sao việc học Kinh Thánh là rất quan trọng

·         Mục đích chính của Kinh Thánh là cho chúng ta thấy cách để trở lại vào mối tương giao với Đức Chúa Trời qua Giê-xu Christ!  Kinh Thánh là một câu chuyện thống nhất dẫn đến Chúa Giê-xu.

·         Đó là lá thư yêu thương của Chúa cho chúng ta (Giăng 17:23,26, 1 Giăng 4:10, Rô-ma 8:38-39)

·         Ma-thi-ơ 4:4 nói: Chúa Giê-xu trả lời,Có lời chép rằng: ‘Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời.’

·         Kinh Thánh dẫn dắt chúng ta: cho chúng ta định hướng, chứa những nguyên tắc để sống một cuộc đời thánh khiết, cho sự tự do trong những điều lệ và hướng dẫn: chúng tạo ra tự do và tăng sự vui thỏa của ta (như trận đánh banh)

Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, Ánh sáng cho đường lối con.” – Thi Thiên 119:105

·         Kinh Thánh là những tâm ý của Đức Chúa Trời mà Ngài tỏ ra cho tất cả mọi người. Ngài yêu thương tất cả chúng ta và Ngài muốn chúng ta sống một cuộc đời theo ý Ngài, như Ngài đã thiết kế nó, với sự vui vẻ và bình an và hy vọng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

·         Bây giờ Ngài nói cho chúng ta qua những gì Ngài đã nói trong Kinh Thánh. Ngày nay Đức Thánh Linh vẫn nói cho chúng ta. “Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai đến, Ngài sẽ dạy dỗ các con mọi điều, và nhắc các con nhớ tất cả những gì Ta đã phán với các con” – Giăng 14:26)

·         Kinh Thánh là lời hướng dẫn ta hằng ngày và lời an ủi ta trong những lúc khó khăn.

3. Tác Động Của Lời Chúa Trên Đời Sống Chúng Ta

·         Cho ta sự dẫn dắt: khi chúng ta tin rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời cảm thúc, và nó vẫn nói với chúng ta qua Đức Thánh Linh người đang làm việc trong trái tim ta, Chúa đang dẫn dắt ta.

·         Cho ta sự tương giao: khi Chúa nói với chúng ta và ta học cách nghe tiếng Ngài, mối tương giao với Ngài của ta tăng lên, và lòng yêu mến của ta cho Ngài trở nên sâu đậm hơn. Chúng ta học cách tin cậy và vâng lời Ngài.

·         Biến đổi suy nghĩ ta: tác động đến trạng thái tinh thần của chúng ta; “buộc mọi ý nghĩ phải thuận phục Đấng Christ.” (2 Cô-rinh-tô 10:5), cho chúng ta sự vui vẻ và sự bình an (Phi-líp 4:4-8)

·         Làm tăng trưởng tâm linh: khi chúng ta đọc Lời Chúa và khi Ngài nói với chúng ta qua Lời Ngài, đức tin, lòng yêu kính, sự tin tưởng và vâng lời của ta với Chúa sẽ tăng lên khi chúng ta bước vào mối tương giao sâu đậm hơn với Ngài.

·         Chữa lành thể chất ta: Lời Chúa đem lại chữa lành cho thân thể ta (Châm Ngôn 4:22)

·         Quyền năng và sự bảo vệ: Lời Chúa có quyền năng mạnh mẽ (Hê-bơ-rơ 4:12). Nó bảo vệ ta trước sự tấn công tâm linh. Lời Chúa là gươm của Thánh Linh (Ê-phê-sô 6:17).

·         Cho ta những bài học về cuộc sống qua những câu chuyện, những tấm gương của những người bình thường như chúng ta.

·         Cuộc đời với đấng Christ là một cuộc phiêu lưu! Hãy nghe theo lời Ngài (bằng việc đọc lời Ngài và qua sự câu nguyện, và vâng theo những thúc đẩy nhẹ nhàng của Đức Thánh Linh. Chúng ta sẽ có thể nhận ra lời Ngài càng lúc càng rõ hơn khi chúng ta dành thời gian với lời Ngài và trong sự cầu nguyện, và đơn giản bởi vâng lời Ngài và thấy những kết quả đến từ đức tin và vâng lời).

4. Các mẹo để đọc Kinh Thánh

Trước khi bạn bắt đầu đọc Kinh Thánh, hãy bắt đầu với việc
1.       Thời gian – dành thời gian và lập kế hoạch trước
2.       Đặt mục tiêu (v.d. số chương, phân đoạn nào, học thế nào)
3.       Không vội vã (bỏ đồng hồ sang một bên) và đảm bảo rằng bạn không bị phân tâm
4.       Chọn địa điểm thanh vắng

Sáng hôm sau, khi trời vẫn còn tối, Ngài đã thức dậy, bước ra, đi vào nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó.” – Mác 1:35

5.       Cầu nguyện! Cầu xin Đức Thánh Linh nói với bạn trong khi bạn đọc lời Ngài.

Ví dụ về cách đọc Kinh Thánh:

Phương pháp quy nạp

Lời đời đời, không sai sót của Chúa là sách hướng dẫn của ta về mọi điều trong đời sống, và phương pháp quy nạp là chìa khóa giúp bạn hiểu những hướng dẫn này. Quy nạp, phương pháp đem bạn trực tiếp đến với Lời Chúa mà không cần đến sự hiểu biết hay diễn giải của một người khác, bao gồm ba kỹ năng: quan sát, giải nghĩa và áp dụng.

1.       QUAN SÁT để khám phá phân đoạn nói những gì
2.       GIẢI NGHĨA để khám phá nó nghĩa là gì
3.       ÁP DỤNG để khám phá nó hoạt động thế nào

Những ví dụ khác về cách đọc Kinh Thánh

·         Đánh dấu những từ quan trọng với bạn trong lúc đọc (v.d. “đời sống”, “yêu thương”, hay “đừng sợ”)

·         Đọc một câu, rồi cầu nguyện về câu đó, xin Chúa tỏ ra cho bạn biết Ngài muốn nói điều gì với bạn qua câu này. Rồi đọc câu tiếp theo và lập lại quá trình, v.v...

·         Viết nhật ký khi bạn đang đọc lời Chúa và ghi chép lại những cảm nhận

·         Phương pháp 3 câu hỏi
1.       Đoạn này nói những gì?
2.       Nó nghĩa là gì?
3.       Nó áp dụng cho ta, cho gia đình ta, cho công việc, hàng xóm, xã hội ta thế nào? V.v..

·         Dùng những chương trình học Kinh Thánh trong điện thoại, như “Học biết Chúa mỗi ngày”

·         Dùng một sách hướng dẫn học Kinh Thánh cho cá nhân hoặc nhóm nhỏ

·         Đọc và sử dụng những quyển sách nhỏ giảng về Kinh Thánh hoặc đọc trên mạng

·         Sử dụng một chương trình đọc Kinh Thánh trên mạng, hay xem “Dự Án Kinh Thánh” trên youtube https://www.youtube.com/channel/UCsWfKWlrJjE5GMxus3t_OEQ

5. Áp dụng nó vào đời sống

Suy ngẫm để áp dụng vào đời sống những gì chúng ta nghe từ Chúa.

22 Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình. 23 Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, 24 thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. 25 Nhưng kẻ nào xét kỹ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.” – Gia cơ 1:22-25

Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” – Ma-thi-ơ 7:21

24 Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn-ngoan cất nhà mình trên vầng đá. 25 Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô-động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. 26 Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. 27 Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô-động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.” – Ma-thi-ơ 7:24-27

Bài tập – 10 phút

Chọn một trong những ví dụ về cách học Kinh Thánh bên trên và áp dụng vào Ê-sai 55:10-11

6. Chia sẻ

1.       Trải nghiệm của bạn về phương pháp học này thế nào?
2.       Bạn học được những gì?
3.       Chúa nói với bạn những gì qua câu Kinh Thánh này?
4.       Bạn áp dụng những lời này vào đời sống mình thế nào?

Saturday, April 27, 2019

Môn Đồ Hóa 101 - Phần 2 - Hiểu Về Hội Thánh Và 5 Chức Năng Chính



Giới thiệu

Hội thánh không phải là một địa điểm hay một tòa nhà, nhưng là một gia đình tâm linh. Hội thánh là một nhóm những người tin Chúa đã được báp-tem (Công Vụ 2:41), và có sự cam kết với nhau (quan hệ chiều ngang), và thờ phượng Chúa cùng nhau (quan hệ chiều dọc), cùng dạy cùng học với nhau, cùng chia sẻ Tin Lành với nhau, cùng yêu thương nhau và chăm sóc giúp đỡ những người xung quanh (mục vụ).

Mọi người ở Hội Thánh được kêu gọi ra khỏi để thành Gia Đình Đức Chúa Trời

Từ Hy Lạp được dịch là “Hội Thánh” là ekklesia. Nó được tạo thành từ ek – “ra khỏi” và klesis- “kêu gọi”. Hội Thánh gồm những người được “kêu gọi ra khỏi” (thế gian).

Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta ra khỏi (thế gian) để thuộc về Ngài, để sống trong sự hiện diện của Ngài và được giải phóng khỏi Tội Lỗi và Mặc Cảm. Chúng ta sẽ sống như con cái Đức Chúa Trời để ca ngợi Chúa. Đức Chúa Trời đã bày tỏ kế hoạch của Ngài qua đấng Christ để làm chúng ta được nên thánh bằng tình yêu của Ngài. (Ê-phê-sô 1:3-8).

Là con cái của Chúa, chúng ta là lời chứng cho sự Vinh Hiển của Chúa. Chúng ta được xưng công bình và được cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Giê-xu Christ và được tặng cho Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 1:11-14)

Trước đó, chúng ta là Nô Lệ của Tội Lỗi: ích kỷ, không vâng lời, dễ bị cám dỗ và sẽ phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời, chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Chuộc. Chúa cho chúng ta được tái sinh thành con người mới để sống tỏa ra những gì mà Chúa đã đặt để bên trong mình (Ê-phê-sô 2:1-10)

Vậy nên chúng ta trở thành thành viên của Hội Thánh không phải nhờ sự sinh ra, mà nhờ sự tái sinh. Chúa Giê-xu nói về sự sinh ra bởi nước và Thánh Linh. Chúa được báp-tem và Ngài ra lệnh cho các môn đồ báp-tem. Việc trở thành một Cơ Đốc nhân bao gồm 3 điều
1.       Đầu tiên, điều chúng ta làm: ăn năn và tin nhận.
2.       Thứ hai, điều Chúa làm: Ngài cho chúng ta Đức Thánh Linh.
3.       Và thứ ba, điều Hội Thánh làm: báp-tem. (Rô-ma 6:3-11)

Hội thánh có thể diễn ra trong nhiều khung cảnh và nhiều dáng vẻ khác nhau, dù nó là lễ Chủ Nhật khi hàng trăm người (hội chúng) thờ phượng Chúa cùng nhau, hay ở trong các nhóm nhỏ nơi sự dạy học có thể diễn ra, các anh chị em cầu nguyện cùng nhau và có thể khích lệ và hỗ trợ lẫn nhau theo sự dẫn dắt của Kinh Thánh và Đức Thánh Linh.

Hội Thánh Là Thân Thể Của Đấng Christ Và Ngài Là Đầu Của Hội Thánh

Và Đức Chúa Trời “đã đặt vạn vật dưới chân Đấng Christ và lập Đấng Christ làm đầu mọi sự vì Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể Ngài, là sự đầy dẫy của Đấng làm viên mãn mọi sự trong mọi loài.” (Ê-phê-sô 1:22-23). Kinh Thánh gọi Hội Thánh là Thân Thể của Đấng Christ. Hội thánh là sự hiện diện thuộc thể của Chúa Giê-xu trong thế giới chúng ta hiện nay. Qua Hội Thánh mà ước muốn của Đức Chúa Trời chuyển động và làm việc trong thế giới chúng ta. Dù có nhiều người hoạt động trong Hội Thánh, chỉ đấng Christ là đầu của Hội Thánh và có thẩm quyền tối thượng trên Hội Thánh.

Là “thân thể của đấng Christ,” Hội Thánh tồn tại để tiếp tục và truyền rao công việc của Chúa Giê-xu Christ trên trái đất. Công Vụ 1:1 nói: “trong sách thứ nhất, (sách Phúc Âm Lu-ca) tôi đã viết về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu.” Nếu sách Phúc Âm Lu-ca kể về chuyện Chúa Giê-xu làm trên đất và về những gì Chúa Giê-xu đã làm và dạy từ ban đầu, thì sách Công Vụ Các Sứ Đồ, kể về chuyện hội thánh ban đầu, là sự tiếp nối của công việc Chúa Giê-xu làm và dạy qua thân thể Ngài, là Hội Thánh.

Hội Thánh bao gồm những người được kết nối nhưng những chi thể của Thân Thể Đấng Christ

Như mỗi chúng ta đều có thân thể với nhiều thành phần chi thể, và những chi thể này không có cùng một chức năng, vậy nên trong đấng Christ chúng ta “giống như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không có cùng một chức năng; thì cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân trong Đấng Christ; mỗi chúng ta đều là các chi thể của nhau.” (Rô-ma 12:4-5)

Hội thánh không phải là một tòa nhà hay một nhóm hoạt động nhưng là một thân thể làm nên bởi nhiều người. Cũng như những chi thể trong thân thể chúng ta được kết dính lại, những chi thể (thành viên) của hội thánh cũng kết dính lại. Những chi thể của thân thể chúng ta được kết nối bằng xương và thịt. Những chi thể thành viên của hội thánh được kết nối với nhau qua sự cam kết với nhau và đó là dấu hiệu của sự cam kết của họ với đấng Christ (Công Vụ 2:41).

Ê-phê-sô 4:1-6 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống một cuộc sống xứng đáng với sự kêu gọi, khiêm tốn và mềm mại, kiên nhẫn, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương, cũng để đối phó với sự đa dạng khác biệt của những người tin Chúa trong hội thánh. Điều này không ngụ ý đòi hỏi phải đồng nhất; tuy nhiên, chúng ta được yêu cầu nỗ lực giữ gìn sự hiệp một trong Thánh Linh, cũng như giữa mọi hội thánh.

(Ghi chú người dịch: đồng nhất khác với hiệp một. Đồng nhất đòi hỏi tất cả phải giống y như nhau. Hiệp một là thành phần khác nhau, với nhiều năng lực, suy nghĩ và tính khí khác biệt, cùng hiệp một lại làm một công việc chung.)

Ý định của Đức Chúa Trời cho Thân Thể của Đấng Christ là phát triển theo hướng trưởng thành và vững chắc hơn trong đức tin, nói lẽ thật và xây dựng lẫn nhau trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:13-16)

Mỗi người trong Thân Thể Đấng Christ được tao dựng các đẹp đẽ và duy nhất và có thể làm một đóng góp cụ thể cho Thân Thể Đấng Christ bằng việc phục vụ trong những mục vụ khác nhau. Việc chủ động tham gia theo ân tứ được ban cho là sự nhận biết mối tương trợ giữa hội thánh và những tín hữu và là sự thể hiện của tình yêu thương hi sinh (Ê-phê-sô 4:7-8, 1 Phi-e-rơ 4:10).

Hội Thánh có 5 chức năng căn bản

1. Chức Năng Thờ Phượng

Ha-lê-lu-gia! Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới! Hãy ca ngợi Ngài trong hội các thánh Ngài.  Thi Thiên 149:1

Tín hữu của hội thánh đều đặn đến với nhau cho những giờ thờ phượng. Tân Ước cho thấy có những lúc hội thánh ban đầu gặp nhau mỗi ngày (Công Vụ 2:46). Họ cũng đặt ngày Chủ Nhật làm ngày đặc biệt để tôn vinh điều rằng Chủ Nhật là ngày đấng Christ sống dậy từ cõi chết.

Trong khi đến với nhau để thờ phượng, hội thánh cần tập trung vào sự cầu nguyện, ngợi khen, ca hát, đọc Kinh Thánh, dạy dỗ và giảng đạo.

2. Chức Năng Thông Công

Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” – Hê-bơ-rơ 10:24-25.
Hội thánh không chỉ là một nhóm người. Nó là một nhóm người cam kết với nhau. Sự cam kết này thể hiện qua sự quan tâm lẫn nhau, sự hỗ trợ và yêu thương lẫn nhau. Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng bằng cách chúng ta yêu thương nhau, thế gian sẽ biết chúng ta là môn đồ Ngài (Giăng 13:35). Người trong hội thánh cần thông công với nhau qua việc phục vụ lẫn nhau và cùng nhau phục vụ cộng đồng.

3. Chức Năng Dạy Dỗ

Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.– Cô-lô-sê 3:16

Hội thánh ban đầu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ (Công Vụ 2:42) và lời giảng và khuyên răn của những người phục vụ Hội Thánh. Chúa Giê-xu dặn chúng ta phải dạy người khác mọi điều Ngài đã dặn chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20). Qua việc dạy dỗ, giảng đạo và rèn luyện của hội thánh, người Cơ Đốc được xây dựng (Ê-phê-sô 4:12). Hội thánh phải dạy chỉ những gì từ Đức Chúa Trời và đúng với Thánh Kinh (Tít 2:1).

4. Chức Năng Mục Vụ

Để phục vụ - “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45). Nếu Hội Thánh là thân thể của đấng Christ thì nó cũng cần có cùng bản tính như đấng Christ, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ (Phi-lip 2:7). Khi chúng ta phục vụ cho nhu cầu của những người nghèo đói và cô đơn, chúng ta thực ra đang phục vụ đấng Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46). Khi chúng ta không làm điều này, chúng ta phạm tội với Chúa (Gia-cơ 2:14-17, 4:17).

5. Chức Năng Môn Đồ Hóa

Để đào tạo môn đồ - “Nhưng anh em là dòng giống được tuyển chọn, là chức tế lễ hoàng gia, là dân tộc thánh, là dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, để anh em rao truyền công đức vĩ đại của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đưa vào vùng ánh sáng diệu kỳ của Ngài.” – I Phi-e-rơ 2:9

Hội thánh – từng thành viên và cả cộng đồng – có trách nhiệm vâng lời và làm theo các mạng lệnh Chúa Giê-xu cho chúng ta trong đại mạng lệnh ở Ma-thi-ơ 28:18-20. Hội thánh phải chủ động đào tạo môn đồ qua việc chứng đạo cá nhân (Công Vụ 4:20). Như được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh, hội thánh cần phải nhận thấy và gởi những người được kêu gọi đi rao giảng những nơi mới (Công Vụ 13:1-5). Một hội thánh cần phải bắt đầu những hội thánh mới bằng cách dạy dỗ và rèn luyện những tín hữu mới được Chúa thêm vào cho mình (Công Vụ 2:46-57, 2 Ti-mô-thê 2:2).

Câu Hỏi Thảo Luận

1. Lời chứng cá nhân: hội thánh ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thế nào?

2. Nếu bạn đánh giá hội thánh mình tham dự qua 5 chức năng chính ở trên, bạn thấy hội thánh làm tốt những chức năng nào và còn thiếu sót những chức năng nào?

3. Nhìn chung trên toàn thế giới, số lượng Cơ Đốc nhân và người đi nhà thờ tăng lên trong những thập kỷ qua – tại sao ở Tây Âu lại đi xuống trong 50 năm qua?

4. Sự khác biệt chính giữa làm thành viên của Hội Thánh với của các câu lạc bộ xã hội khác là gì?

5. Cơ sở của sự kết hiệp trong Hội Thánh là gì?

6. Dưới ánh sáng lẽ thật được tỏ ra trong sách Ê-phê-sô, tại sao cam kết với một hội thánh địa phương lại thật quan trọng?

Friday, April 26, 2019

Môn Đồ Hóa 101 - Phần 1 - Người Môn Đồ Là Ai? Đức Tin Là Gì?

Người Môn Đồ Là Ai?

Một môn đồ là người có cam kết đi theo, vâng phục, học hỏi, sống đạo và trưởng thành để trở nên giống Chúa Giê-xu. Họ được báp-tem khi là một người trưởng thành, có mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời / Chúa Giê-xu / Đức Thánh Linh – người mà họ đã tự nguyện tin nhận là Chúa và Chủ của mình. Họ sẽ  giúp sức chia sẻ Tin Lành.

Đức Tin

Giời Thiệu Về Đức Tin

Đức tin vẫn luôn là dấu hiệu của môn đồ Chúa Giê-xu. Nhưng môn đồ ban đầu được gọi là những người tin theo (Chúa). Chúa Giê-xu nói “...Ai tin thì mọi việc đều được cả.” (Mác 9:23).

Đức tin nghĩa là sống hoàn toàn dựa vào Đức Chúa Trời. Khi Adam phạm tội, ông đã bước ra khỏi Chúa – từ sống dựa vào Chúa sang sống độc lập (nghĩa là không tin theo). Đây là lý do Chúa đặt đức tin ở mức quan trọng đến vậy.

Đức tin là con đường để chúng ta trở lại vào mối tương giao với Đức Chúa Trời (sống dựa vào Đức Chúa Trời). Sự sống dựa vào Chúa này được gọi là đức tin. Đức tin sẽ giúp ta sống vượt lên trên năm giác quan (thấy, nghe, nếm, ngửi và chạm) của mình.

Đức tin giải phóng ta khỏi những giới hạn của năng lực mình. Bằng đức tin, ta chuyển từ dựa vào năng lực giới hạn của mình sang năng lực vô hạn của Ngài. Đây là sự bước đi trong đức tin mà chúng ta hay nói  – khi mà “Nếu các con có đức tin chỉ bằng một hạt cải thì các con có thể bảo hòn núi nầy rằng: ‘Hãy dời từ đây qua đó’ thì nó sẽ dời; và chẳng có điều gì các con không làm được!” (Ma-thi-ơ 17:20)

Đức Tin Là Gì?

Đức tin là hành động vâng phục đáp lại những gì Đức Chúa Trời nói. Đức tin chân thật được thể hiện qua Sự Vâng Phục và Hành Động đáp lại khi Nghe Lời Đức Chúa Trời. “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1)

Đức tin có nghĩa là có sự trông cậy, sự đảm bảo hay sự tin tưởng vào một người khác hay lời người đó. Có đức tin ở Đức Chúa Trời bao gồm việc đổi sự tự tin ở mình sang sự tin tưởng ở Chúa. Chúng ta không tin ở mình nữa mà tin ở Ngài. Chúng ta từ bỏ việc tin tưởng ở hiểu biết giới hạn của mình mà bắt đầu nhận lấy nguồn hiểu biết vô tận của Ngài.

Cơ Sở Của Đức Tin

Cơ sở của đức tin ở Đức Chúa Trời dựa trên 3 lẽ thật quan trọng:

1. Trên Bản Chất Của Đức Chúa Trời

khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, vì không thể chỉ đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình mà thề” (Hê-bơ-rơ 6:13).

a.       Ngài không bao giờ thay đổi: “Vì Ta là Đức Giê-hô-va không hề thay đổi, nên các con là con cháu Gia-cốp chẳng bị diệt vong” (Ma-la-chi 3:6)

b.      Ngài không bao giờ thất bại: “Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, Không ai ngăn cản được ý định của Ngài.” (Gióp 42:2)

c.    Ngài không bao giờ nói dối: “Đức Chúa Trời không phải là người mà nói dối, Cũng chẳng phải là con loài người mà ăn năn. Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao? Lời Ngài đã hứa, Ngài chẳng thực hiện sao?” (Dân Số Ký 23:19)

2. Trên Việc Cứu Chuộc Của Con Trai Đức Chúa Trời

Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12:2). Đấng Christ đã trở thành cội nguồn của đức tin của chúng ta ở Đức Chúa Trời.

Sự thật về sự chết và sự phục sinh của Chúa là nền tảng để cho chúng ta tin. “Vì nhờ Ngài mà anh em được ở trong Đấng Christ Jêsus, Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, công chính, thánh khiết và sự cứu chuộc cho chúng ta” (1 Cô-rinh-tô 1:30)

3. Trên Lời Của Chúa: ”Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đâu.” (Ma-thi-ơ 24:35) “Con thấy đúng đó, Ta đang thức để thực hiện lời Ta đã phán.” (Giê-rê-mi 1:12). Lời Đức Chúa Trời mãi mãi luôn đúng. Đức tin đến khi Chúa đem một lời cụ thể nào đó – trong tất cả những gì Ngài đã nói (trong Kinh Thánh) – đến với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Khi được nói bằng cách này, Lời Của Chúa trở nên sống động với chúng ta, giải phóng đức tin của chúng ta.

Đức Tin Hoạt Động Như Thế Nào?

“Đức tin là một lối sống. Đức tin không phải là một khái niệm”

Nguyên tắc của đức tin là luôn luôn hoạt động trong đời sống ta, bất kể hoàn cảnh nào (Rô-ma 3:27, 2 Cô-rinh-tô 5:7, Gia-cơ 1:5-6). Nó hoạt động như thế này:

1. Đức Chúa Trời cho chúng ta đức tin

Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:17, Ga-la-ti 3:11, Hê-bơ-rơ 10:38)

Người công chính sống bởi đức tin ở Đức Chúa Trời, đó là đức tin Ngài cho chúng ta như một món quà. “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự cao” (Ê-phê-sô 2:8-9) “Vì nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em, đừng nghĩ quá cao về chính mình, nhưng phải suy nghĩ đúng mực, tùy theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người.” (Rôma 12:3)

2. Đức tin đến bởi một Lời từ Đức Chúa Trời

Đầu tiên, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta qua việc nói cho chúng ta một “lời” liên quan đến hoàn cảnh của mình. Điều này có thể đến khi bạn học Kinh Thánh hay nghe lời của Đức Thánh Linh bên trong tâm linh bạn. “Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.” (Rô-ma 10:17)

(Ghi chú của người dịch: Có đức tin về những điều tổng quát như quyền năng, sự cứu rỗi và sự tể trị của Chúa. Cũng có đức tin về ý Chúa cho những việc cụ thể nào đó trong hoàn cảnh của mình. Mọi đức tin đều phải đến từ Lời Chúa qua Kinh Thánh hay qua lời của Đức Thánh Linh nói trong tâm linh. Việc nhận biết Lời Chúa cho việc cụ thể trong hoàn cảnh của mình cần cẩn thận để tránh bị nhiễu với tâm ý xác thịt của mình, đòi hỏi sự trưởng thành trong thuộc linh, có sự hiểu biết, tương giao, và vâng phục Chúa.)

3. Vâng phục Lời Chúa

Để đức tin hành động trong hoàn cảnh của chúng ta, chúng ta phải vâng phục lời đó. Đức tin phải CHỦ ĐNG, không phải bị động. Hầu hết các lời hứa của Chúa là có điều kiện – Ngài sẽ làm phần của Ngài, nếu chúng ta làm phần của mình.

Một người khôn ngoan đã nói “bất kỳ đức tin nào tìm cách bắt Chúa chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi kết quả trong cuộc đời bạn là một đức tin vô trách nhiệm”. “Đức tin cũng vậy, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết.” (Gia-cơ 2:17)

4. Mọi đức tin rồi sẽ bị thử thách

Sự khủng hoảng đức tin, hay “sự thử nghiệm đức tin của anh em” là một giai đoạn thử thách. Mọi chuyện xung quanh chúng ta có vẻ như đi ngược lại với lời Chúa đã nói và chẳng thấy một chứng cớ tự nhiên nào cho chúng ta tin tưởng. Tại thời điểm đó, đức tin chúng ta phải dựa hoàn toàn vào lời của Chúa (điều mà Ngài đã phán với chúng ta). “Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến.” (1 Phi-ê-rơ 1:6-7)

Trong đức tin, chúng ta đặt mình trên sự THÀNH TÍN CỦA CHÚA. Trong những khi ta nghi ngờ và tranh chiến với sự thử thách, Chúa là thành tín và sẽ không bỏ rơi chúng ta. “Nếu chúng ta thất tín, Thì Ngài vẫn thành tín; Vì Ngài không thể tự chối bỏ mình được.” (2 Ti-mô-thê 2:13)

Ngài đã thành tín với Thô-ma và Phi-e-rơ khi đức tin của họ bị thử thách. Chúa Giê-xu đã không bỏ rơi họ. “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.” (Hê-bơ-rơ 13:5)

5. Kết quả của đức tin

Kết quả cuối cùng của đức tin luôn là sự chiến thắng về phần người tin Chúa, đem lại vinh hiển cho Chúa (Gia-cơ 1:2-4, Hê-bơ-rơ 6:13-15). “Vì ai sinh bởi Đức Chúa Trời thì chiến thắng thế gian; điều làm cho chúng ta chiến thắng thế gian chính là đức tin của chúng ta” (1 Giăng 5:4)

Lời câu nguyện chung


Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;
Danh Cha được thánh;
Nước Cha được đến;
Ý Cha được nên, ở đất như trời!
Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;
Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;
Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!

- Ma-thi-ơ 6:9-13